LTS: Bộ Chính trị vừa có Thông báo số 50-KL/TW kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH TƯ khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Một nội dung đáng chú ý tại Thông báo số 50 là Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị. Đây là một yêu cầu rất đúng, trúng và sát thực tiễn, được cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm trong bối cảnh hiện nay, khi đang có hiện tượng “làn sóng” cán bộ, công chức, viên chức ưu tú rời bỏ khu vực công; còn các bộ, ngành, địa phương thì rất khó khăn trong việc thu hút người giỏi vào hệ thống.
Diễn đàn kinh tế thế giới 2015 đã khẳng định “nhân tài, chứ không phải vốn” sẽ là yếu tố chính liên kết sự đổi mới, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong thế kỷ 21. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vào bộ máy nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương đều đã thực hiện chính sách thu hút người giỏi nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
Sinh viên rất tích cực tìm kiếm cơ hội việc làm ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường |
Không mấy mặn mà với khu vực công
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 86-KL/TW ngày 24-1-2014 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017 quy định cụ thể. Bộ Tài chính là đơn vị đầu tiên trên cả nước tổ chức tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định tại Nghị định 140, với tổng số chỉ tiêu dự kiến tuyển dụng là 88 chỉ tiêu. Kết quả, Bộ Tài chính tuyển được 51 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào công tác.
Tại Hà Tĩnh, ông Bùi Quang Dương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, từ năm 2019-2022, Hà Tĩnh đã thực hiện 4 kỳ xét tuyển công chức, viên chức theo Nghị định số 140 (Tỉnh ủy tổ chức 1 kỳ, UBND tỉnh tổ chức 3 kỳ). Trong 4 năm, tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt 213 chỉ tiêu tuyển dụng, có 48/60 thí sinh tham gia nộp hồ sơ ứng tuyển đủ điều kiện, tiêu chuẩn; kết quả đã tuyển dụng được 32/48 trường hợp. Bên cạnh tuyển dụng sinh viên, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140, Hà Tĩnh cũng ban hành chính sách để tập trung thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về công tác lâu dài tại tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn nhân lực thu hút được chủ yếu tập trung trong ngành y, chưa thu hút được đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, hay trong các lĩnh vực khác.
Tại Quảng Ninh, từ năm 2019 đến nay, đã tuyển được 17 trường hợp (2 công chức, 15 viên chức) theo Nghị định 140. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện hiệu quả chính sách thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài, thuộc lĩnh vực tỉnh cần về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2020. Kết quả, đã thu hút được 21 trường hợp với tổng số kinh phí hỗ trợ khoảng 61 tỷ đồng.
Còn tại TPHCM, theo báo cáo của Sở Nội vụ TPHCM, sau 5 năm thực hiện, chưa có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút theo Nghị định 140. Sở Nội vụ TPHCM chỉ ra nguyên do, những cá nhân có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc có rất nhiều cơ hội nhận được học bổng (trong và ngoài nước) nên thường ưu tiên học tập, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, chưa quan tâm nhiều đến thông tin tuyển dụng và làm việc cho các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
TPHCM cũng khó cạnh tranh với các đơn vị ngoài khu vực công về mức thu nhập và cơ hội thăng tiến. Đáng nói là, không chỉ thực hiện thu hút người tài theo Nghị định 140, mà từ năm 2014, UBND thành phố đã triển khai chủ trương trải thảm đỏ mời nhân tài về làm việc, tuy nhiên kết quả đến nay vẫn chưa thực sự như mong muốn.
Với vị thế là thủ đô của cả nước, số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm trên 65% của cả nước. Tuy nhiên, Hà Nội cũng nhìn nhận, chính sách thu hút người tài chưa hấp dẫn, ở một số ngành xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, từ khi có Luật Thủ đô (2012), TP Hà Nội đã có chế độ, chính sách thu hút trọng dụng nhân tài đối với 65 đối tượng, trong đó có các thủ khoa xuất sắc; các tiến sĩ đào tạo trong và ngoài nước; các bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp 2; giáo viên dạy giỏi có học sinh giỏi quốc gia; các vận động viên, nghệ sĩ, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu…
Riêng với thủ khoa đại học, từ năm 2003 đến nay, Hà Nội đã tuyên dương 2.067 thủ khoa, tuyển dụng được 200 thủ khoa đại học về làm việc, trong đó nhiều người đã và đang đảm nhận các vị trí như giám đốc sở, bí thư thành đoàn. “Con số tuyển dụng được chỉ chiếm 10% số thủ khoa mà Hà Nội tuyên dương, số còn lại không về do được giữ lại trường hoặc có học bổng đi học tiếp, và phần lớn là được các tập đoàn lớn tuyển dụng”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp trường đại học hàng đầu thường có xu hướng làm việc cho khu vực nước ngoài |
Tiêu chuẩn cao, đãi ngộ thấp
Theo Bộ Tài chính, theo quy định hiện hành, trong trường hợp không trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch, hoặc hết thời gian 5 năm được hưởng phụ cấp tăng thêm thì công chức được tuyển dụng theo Nghị định 140 cơ bản không còn được hưởng chế độ đãi ngộ tăng thêm về lương, thậm chí thời gian tính nâng bậc lương lần sau của một số trường hợp có thể còn bị chậm hơn so với các trường hợp công chức được tuyển dụng theo phương thức thông thường. Mức đãi ngộ này là chưa phù hợp, không có sức cạnh tranh, không tạo động lực cống hiến. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm dành cho đối tượng được tuyển dụng theo chính sách thu hút tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Mặt khác, theo phản ánh của một số địa phương, điều kiện đối với đối tượng diện thu hút cũng “quá khắt khe”. Bà Lê Thị Mai Hoa, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Hà Tĩnh, thông tin, Hà Tĩnh có 22 thí sinh tốt nghiệp xuất sắc nộp hồ sơ diện Nghị định 140, nhưng chỉ có 14 sinh viên đủ điều kiện tham gia phỏng vấn vòng 2; 8 sinh viên không đủ điều kiện do kết quả rèn luyện chỉ đạt loại tốt (Nghị định quy định điều kiện thu hút là sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; có kết quả học tập, rèn luyện các năm học của bậc đại học xuất sắc). Bà Mai Hoa đề nghị hạ tiêu chuẩn kết quả rèn luyện đạt loại “tốt”, thì sẽ khả thi hơn, tránh bỏ sót nhân tài.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ĐBQH đã chất vấn nội dung này. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở Kết luận số 86 của Bộ Chính trị về việc tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 140. Dù triển khai từ năm 2018, nhưng đến nay, trên cả nước, số lượng sinh viên xuất sắc, nhà khoa học thu hút được mới đạt 258 người. So với mục tiêu Kết luận 86 của Bộ Chính trị cần tuyển 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học trẻ, kết quả này là quá khiêm tốn.
“Các trường hợp thuộc diện thu hút đều làm việc tốt, tiếp cận công việc nhanh, đây thực sự là nguồn lực chất lượng cao, nổi trội. Chúng ta cần quan tâm đến các đối tượng này trong khu vực công”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, không thể so sánh với khu vực tư về việc thu hút nhân lực, nhưng chúng ta sẽ có những chính sách để tạo môi trường tốt nhất, có điều kiện để những người được tuyển dụng có cơ hội thể hiện năng lực, trình độ.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà hứa, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ đánh giá toàn diện Nghị định 140; cùng đó xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài trình Chính phủ sớm ban hành. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ xây dựng nghị định, cụ thể hóa chiến lược với các chính sách đãi ngộ nhân tài đặc thù, hấp dẫn.
* TS NGUYỄN TIẾN DĨNH, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ:
Thực tế thời gian qua có rất nhiều bộ, ngành, địa phương đưa ra chính sách thu hút nhân tài hấp dẫn, song hiệu quả chưa cao. Bên cạnh việc đãi ngộ phải đủ hấp dẫn thì việc sử dụng nhân tài đúng vị trí và năng lực chuyên môn cũng rất quan trọng. Cái gốc của thu hút nhân tài chính là sự tin tưởng, tôn trọng, tạo môi trường, điều kiện để nhân tài làm đúng vị trí, đúng việc và đúng năng lực.
* Bà CHÚC HẠNH, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GTVT:
Trung tâm thường xuyên thông báo nhu cầu tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin với yêu cầu chuyên môn cao. Tuy nhiên, do chế độ đãi ngộ không hấp dẫn, trung tâm nhiều năm không tuyển được, hoặc tuyển được rất ít người trẻ, giỏi. Hiện lương cán bộ bậc đại học chỉ trên dưới 5 triệu đồng, nên kể cả khi đã tuyển được cũng chỉ trong thời gian ngắn họ lại rời đi tìm cơ hội khác.