Các địa phương cũng cho biết, ngoài việc phối hợp sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Theo ghi nhận của ngành công thương khu vực ĐBSCL, thực hiện cuộc vận động, thời gian qua, nhiều đơn vị, DN trong vùng đã từng bước phát triển quy mô sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn vào quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm hàng Việt có chất lượng cao, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất với nhà phân phối để hàng Việt chinh phục được người tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu.
Nhờ sự chủ động, linh hoạt sản xuất theo nhu cầu thị trường, tới nay tại Cần Thơ, tỷ lệ người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, mua sản phẩm hàng Việt đạt tới 72,9%. Còn ở Vĩnh Long, đã có khoảng 85% cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chọn hàng Việt Nam sản xuất để mua sắm trang thiết bị, hơn 89% người dân mua sắm, tiêu dùng hàng Việt. Hay ở Hậu Giang, các kênh phân phối bán lẻ từ chợ truyền thống đến siêu thị hiện đại đều được “bao phủ” tới 90% hàng Việt… cho thấy mức độ tin tưởng, sử dụng hàng Việt ở các địa phương này ngày càng tăng. Để có kết quả khả quan này, ngành công thương các tỉnh, thành trong vùng đã chủ động với các địa phương trong cả nước tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa; tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cộng đồng các DN trong vùng xác định tiềm năng và lợi thế phát triển sản xuất hàng hóa mang thương hiệu Việt. Việc nâng cao năng lực sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tập trung vào yếu tố đổi mới, chất lượng đầu ra và khâu phân phối sẽ giúp cho DN sản xuất hàng Việt trụ vững trên thị trường trong nước và cả xuất khẩu.