Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương lại “khóa chặt”, áp dụng những quy định chống dịch cực đoan, như: yêu cầu xét nghiệm, cách ly y tế… gây khó dễ cho người dân khi trở về quê đón tết. Nhiều người cho rằng, điều đó là quá mức cần thiết, thể hiện căn bệnh “sợ trách nhiệm” cũng như sự bị động của địa phương khi phòng chống dịch trong bối cảnh “bình thường mới” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Nghị quyết 128 được ban hành là sự cân nhắc kỹ càng của Chính phủ trên cơ sở dịch bệnh đã được kiểm soát, số ca mắc mới, số người tử vong giảm mạnh. Với việc phân loại vùng dịch theo nhiều cấp độ dịch với các tiêu chí rõ ràng về tỷ lệ ca mắc mới trong cộng đồng, độ bao phủ vaccine, khả năng thu dung, điều trị của hệ thống y tế…, các địa phương không còn lý do gì để tự đặt ra những quy định làm khó người dân, doanh nghiệp. Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; các giải pháp phòng chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước.
Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 128, nhiều vấn đề đã xuất hiện khi địa phương được giao quyền chủ động, việc đi lại giữa các tỉnh, vùng dù đã thông thuận hơn nhưng vẫn còn nhiều nơi máy móc, đề ra nhiều quy định gây không ít khó khăn cho người dân khi trở về quê nhà.
Nhiều người ví von, Nghị quyết 128 của Chính phủ giống như con thuyền được điều chỉnh đúng hướng nhưng các tay chèo mỗi người một phách nên con thuyền này chưa thể lướt nhanh; tư duy thích ứng an toàn chưa thể thấm đến người dân. Nhiều địa phương vì giữ sạch dịch mà đông cứng, khóa chặt, thiếu đi sự chia sẻ với cộng đồng. Quy định về xét nghiệm, cách ly vẫn được áp dụng với người đến từ địa bàn khác, không phân biệt vùng xanh, vùng đỏ đã được nêu rõ trong hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế... Những ách tắc lưu thông, nhất là việc di chuyển của người dân gặp trúc trắc, khiến nỗ lực nhanh chóng khôi phục sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng Nghị quyết 128 và những cách làm sai của địa phương đã gây ra những bức xúc cho nhân dân. Nhiều người bày tỏ quan điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng, đòi xem xét trách nhiệm, năng lực lãnh đạo của những địa phương ra các quyết định trái với tinh thần Nghị quyết 128, những cách làm“tối kiến” khiến cho nhiều việc trở lên rối hơn.
Thực tế, việc chuyển trạng thái để chung sống an toàn với dịch Covid-19 là nhu cầu bức thiết của cuộc sống và muốn tạo sự đồng thuận trong thực hiện trước hết phải hành động đúng, có trách nhiệm của lãnh đạo địa phương dựa trên những cơ sở khoa học. Không chỉ vì nỗi sợ hãi lây lan dịch bệnh, không chỉ để dễ quản lý mà đẩy cái khó cho dân bằng những quy định vô cảm, cảm tính.
Thời điểm này, lãnh đạo địa phương cần biết mình phải làm gì để hiệu lệnh chống dịch được vận hành thông suốt mà không phải mỗi nơi làm một kiểu, bởi nhu cầu di chuyển của người dân hiện nay là tất yếu và biết chủ động ứng phó khôn ngoan hơn, thấu tình đạt lý hơn. Và để đường về của những người dân xa quê bớt xa hơn, thay vì làm khó người dân, chính quyền địa phương nên đưa ra những thông điệp, biện pháp phù hợp hơn, đảm bảo phòng chống dịch “có lý, có tình”, để người dân cảm thấy ấm lòng khi luôn có quê nhà phía sau.