Đồng thời phối hợp tích cực với Bộ TT-TT và cơ quan liên quan xây dựng hệ thống cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine điện tử, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương quốc tế.
Hộ chiếu vaccine điện tử sẽ hiển thị 11 trường thông tin, gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, số mũi tiêm đã nhận, ngày tiêm, liều số, vaccine, sản phẩm vaccine, nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine, mã số của chứng nhận.
Các thông tin bao gồm họ tên và ngày sinh sẽ kết hợp với giấy tờ định danh khác (như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay hộ chiếu) để giúp định danh người sở hữu. Các thông tin sẽ được ký số, mã hóa và được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.
Làm rõ hơn về việc cấp hộ chiếu vaccine điện tử, ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho biết, quy trình cấp hộ chiếu vaccine rất đơn giản, người dân không phải làm gì, khi đi tiêm chủng chỉ cần khai báo thông tin chính xác. Trách nhiệm của các cơ sở tiêm chủng là phải rà soát các thông tin, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin của người dân. Toàn bộ quy trình cấp hộ chiếu vaccine do các cơ sở tiêm chủng thực hiện, và Cục Y tế Dự phòng là đầu mối ký số.
Đáng chú ý, người dân đã tiêm chủng và có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng sẽ có mã QR và sẽ được hiển thị trên ứng dụng PC-Covid, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế để phục vụ cho việc kiểm soát khi đi nước ngoài.
“Những người tiêm đủ 2 đến 3 mũi vaccine đã có tên trên hệ thống PC-Covid và Sổ sức khỏe điện tử thì tới đây sẽ được cấp luôn hộ chiếu vaccine”, ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ Y tế đã làm việc với Bộ TT-TT về việc xây dựng chức năng hiển thị hộ chiếu vaccine trên ứng dụng PC-Covid và Sổ sức khỏe điện tử. Nếu người dân đã có thông tin trên những ứng dụng này thì sẽ có thêm thông tin hộ chiếu vaccine.