Để du lịch TPHCM trở thành ngành kinh tế trọng điểm

Để đưa du lịch TPHCM trở thành ngành kinh tế trọng điểm, việc đầu tiên là phải thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế để mang lại nhiều ngoại tệ cho TP. Do vậy, thời gian qua, Sở Du lịch TPHCM đã không ngừng sáng tạo, xây dựng sản phẩm mới nhằm thu hút du khách.
 Kết quả bất ngờ, mới 10 tháng đầu năm 2017, TPHCM đã thu hút trên 5 triệu lượt du khách quốc tế đến TPHCM, gần đạt chỉ tiêu cả năm HĐND TP giao là 5,6 triệu. Không ngừng ở đó, Sở Du lịch đang tổ chức nhiều chương trình cuối năm để nâng lượng khách đến TP đạt 6 -7 triệu lượt…
Để du lịch TPHCM trở thành ngành kinh tế trọng điểm ảnh 1 Các chương trình nghệ thuật đường phố thu hút nhiều du khách
 Đa đạng để hấp dẫn

Điều có thể nhìn thấy rõ nhất trong thời gian qua là TPHCM đã tổ chức thành công phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) thật sự trở thành sân chơi, điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Nhiều chương trình đặc sắc được biểu diễn nghệ thuật đường phố, lễ hội áo dài… Đây là những chương trình “xã hội hóa”, không tốn nhiều kinh phí Nhà nước nhưng mang lại hiệu quả lớn cho xã hội. Các chương trình đã thu hút du khách, góp phần đưa doanh thu ngành du lịch (nhà hàng, lưu trú, lữ hành) 9 tháng đầu năm 2017 đã đạt gần 85.000 tỷ đồng. 

Không chỉ những chương trình lễ hội liên tục đổi mới và hấp dẫn, Sở Du lịch TP cũng tổ chức nhiều tour, điểm hấp dẫn, bài bản hơn. Đó là tổ chức bài bản phố đi bộ trên tuyến đường Bùi Viện, quận 1, để du khách ngoại quốc thưởng ngoạn về đêm; một ngày quanh quận 5 “Amazing day in District 5” với các làng nghề truyền thống như phố vàng bạc đá quý, phố đông y… 

Các sản phẩm du lịch mới cũng lần lượt ra đời để thay đổi “khẩu vị” của du khách. Nếu khách ngại kẹt xe - vốn diễn ra thường xuyên ở TP - có thể chọn du lịch đường thủy yên bình đến vùng sông nước sinh thái Cần Giờ, thưởng thức những loại sản vật đặc sắc địa phương, hay có thể lên sà lan xem biểu diễn nhạc nước trên rạch Đỉa tại huyện Nhà Bè... Chỉ cần một ngày, khách có thể tận hưởng tour du lịch sinh thái tại huyện Cần Giờ kết nối với 3 điểm là Khu du lịch sinh thái Dần Xây (rừng phòng hộ), Khu du lịch sinh thái Vàm Sát và tham quan Trung tâm yến sào.

Bên cạnh sự náo nhiệt ở trung tâm TP, Sở Du lịch cũng khảo sát thực địa phát triển chương trình du lịch kết hợp tham quan nhà vườn sinh thái nông nghiệp tại các quận huyện ngoại thành (quận 9, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ…). Có nhiều tour mới lạ mà thị dân sẽ rất thú vị ở các xã nông thôn mới như “Một ngày làm nông dân” (trồng và thu hoạch rau mầm, trồng và chăm sóc lan, trồng và thu hoạch nấm sạch…); “homestay” để trải nghiệm đan lát, làm bánh tráng, làm muối… Ngoài ra, những sản phẩm đặc thù cũng được du khách khám phá như “Du lịch nông nghiệp công nghệ cao” tại Khu công nghệ cao của TP; Du lịch y tế (du lịch kết hợp với khám chữa bệnh, đặc biệt là thẩm mỹ, nha khoa).

Nét đặc trưng từ những“đặc sản”

Sản phẩm du lịch sẽ được xây dựng theo hướng tạo sức thu hút từ những đặc trưng riêng, nhằm thu hút sở thích của từng du khách. Đó là du lịch cộng đồng (khai thác cả giá trị văn hóa như bữa cơm gia đình, lễ hội dân gian…), du lịch văn hóa, du lịch di sản liên kết giữa TPHCM và các tỉnh thành lân cận. Hiện Sở Du lịch TP đang tiếp tục giữ vai trò định hướng và hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp - sinh thái - văn hóa; du lịch gắn với các làng nghề truyền thống, phố chuyên doanh. Thực hiện giai đoạn 2 của kế hoạch liên tịch phát triển sản phẩm du lịch y tế tại TPHCM, ngành du lịch sẽ sản xuất, phát hành và tuyên truyền cẩm nang “Du lịch y tế” (tăng số lượng bệnh viện, phòng khám đa khoa tham gia); đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá cẩm nang trên các phương tiện thông tin, website… Đặc biệt, TPHCM đang khảo sát, đánh giá hiệu quả kinh tế của loại hình dịch vụ “Hopon-hopoff”, đề án thí điểm vận hành 2 tuyến xe buýt không trợ giá, sử dụng xe điện 4 bánh (12 chỗ) của Công ty Mai Linh và Công ty Phố Cảnh để phục vụ du khách.

Nhằm giới thiệu thêm những đặc sản văn hóa ẩm thực của Việt Nam, Sở Du lịch duy trì sự kiện ẩm thực hàng năm để thu hút du khách như Liên hoan ẩm thực Đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam bộ, Liên hoan ẩm thực món ngon các nước. Đồng thời, sở cũng phối hợp với các sở ngành, quận huyện xây dựng phố ẩm thực, phố hàng rong phục vụ du khách hàng ngày. Hướng tới sẽ hình thành các sản phẩm du lịch tham quan và kết hợp tìm hiểu ẩm thực, trải nghiệm “Một ngày làm đầu bếp”, kết hợp các sự kiện quảng bá ẩm thực. Bên cạnh ẩm thực là các trò chơi giải trí được tổ chức bài bản hơn tại lễ hội áo dài, nghệ thuật đường phố…
 
Mặc dù liên tục đổi mới, sáng tạo nhưng với sự cầu thị trong thu hút du khách, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, sẽ thường xuyên trao đổi với các đơn vị du lịch để nắm bắt thị hiếu, nhu cầu, kết nối các doanh nghiệp lữ hành để tạo thành sức mạnh, hình thành nhiều sản phẩm du lịch giá rẻ cho du khách. Ngành du lịch TP cũng quan tâm, lắng nghe ý kiến du khách, phản ánh của báo đài để kịp thời chấn chỉnh, đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm của TP.

Tin cùng chuyên mục