Sáng nay, 21-5, cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19” được Báo Kinh tế và Đô thị chủ trì tổ chức tại Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã chống đỡ rất kiên cường trong đại dịch Covid-19. Năm 2020, có tới 65% số doanh nghiệp (DN) bị giảm doanh thu, nhưng đến cuối tháng 4-2021, số DN vẫn đạt mức kỷ lục so với năm 2020.
“Bây giờ trước đợt bùng phát Covid -19 mới, phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn” – ông Lộc lo lắng. Năm ngoái Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp và vẫn đang tiếp tục hỗ trợ DN; nhưng quá trình thực hiện chính sách còn hạn chế, cần có những giải pháp để DN được thụ hưởng tốt hơn.
“Có 2 vaccine rất cần thiết cho DN Việt Nam lúc này. Phải xây dựng quản trị DN minh bạch, có khả năng chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh. Thứ 2 là vaccine theo nghĩa đen, vaccine y tế”, Chủ tịch VCCI bình luận.
Trả lời câu hỏi của độc giả, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Hiếu nhận xét: “Về vaccine y tế, có 2 nguồn. Nguồn thứ nhất, Chính phủ đang làm rất tốt trong khả năng của mình. Thứ 2, phải mở rộng nguồn vaccine DN, để các DN chủ động hơn. Những quyết định của Chính phủ về vaccine DN cần phải rất nhanh, rất kịp thời cho DN”.
Liên quan đến các chương trình hỗ trợ DN, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, Thân Đức Việt nhìn nhận, gói hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay là gói 60.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động, nhưng đến nay công ty của ông chưa tiếp cận được gói này. “Nguyên nhân là để được nhận hỗ trợ thì DN phải có doanh thu giảm 30%, và lao động giảm 50%, mà nếu đáp ứng các tiêu chí này, thì DN của chúng tôi đã đóng cửa rồi”.
Theo ông Thân Đức Việt, cần chia thành nhiều gói hỗ trợ với đối tượng cần hỗ trợ khác nhau. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ nên tập trung vào các DN có khả năng hồi phục và trong trường hợp này cần hỗ trợ đủ để DN có thể hồi phục và kéo nền kinh tế tăng trưởng. Với các DN đóng cửa dài hạn thì các gói hỗ trợ lại phải thiết kế khác.
Chia sẻ thêm về viễn cảnh kinh doanh năm 2021, lãnh đạo May 10 cho biết, ngược với tình hình năm 2020, DN phải dừng sản xuất do đối tác dừng đơn hàng, bị đọng vốn ở nguyên vật liệu và tiền lương lao động; năm nay DN lại có quá nhiều đơn hàng, làm không hết. “Các quy định chống dịch rất chặt chẽ, nhưng chưa tháo gỡ cho DN về cách thức cụ thể để làm sao DN vẫn sản xuất được. Hiện chúng tôi vẫn đang yêu cầu 200 lao động dạng F2, F3 ở nhà, nhưng nếu kéo dài, sẽ rất khó để chúng tôi duy trì sản xuất, bởi may mặc là làm theo thời vụ, tính theo ngày chứ không còn theo tuần”, ông Việt nhận định.
Còn Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh nhận định: “Chúng tôi đánh giá cao về việc Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm, để thực hiện giảm trong năm 2020. Một gói chính sách nữa có sự hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19 là các chính sách tài khóa như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.