Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế

Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế

Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế ảnh 1
Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế ảnh 2
Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế ảnh 3

Giữa mưa phùn lất phất, ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) lặn lội lên tiểu khu 266 (thôn Tu Mơ Rông, xã Đắk Hà) để hướng dẫn người dân đồng bào Xơ Đăng chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh. Vườn sâm này có khoảng 660 cây, được 21 hộ nghèo đồng bào Xơ Đăng trồng vào tháng 10-2022. Rảo bước qua những luống sâm, ông Khoa tận tình chỉ cách làm đất, che bạt để sâm khỏi bị ảnh hưởng của mưa đá. Hơn 9 tháng qua, nhờ được hướng dẫn kỹ lưỡng, vườn sâm phát triển tốt tươi.

“Người dân Xơ Đăng ở xã rất muốn trồng sâm nhưng rào cản là cây giống có giá cao, 300.000 đồng/cây, lại khó mua. Với mong muốn giúp bà con đổi đời, huyện đã huy động xã hội hóa để cấp phát miễn phí giống cho các hộ. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục tìm nguồn giống để giúp bà con nhân rộng vườn”, ông Khoa nói.

Trong số 21 hộ được hỗ trợ giống sâm nói trên, có anh A Sanh (xã Đắk Hà). Anh A Sanh vui mừng nói: “Mình cũng thích trồng sâm mà không có tiền mua giống. Vừa qua, được chính quyền cấp phát giống miễn phí, mình mang lên rừng trồng ngay. Trước mắt, mình đã trồng 25 cây. Khi cây cho quả, mình lấy hạt ươm để trồng tiếp. Cứ đà này, mình tin khoảng 5 năm nữa, vườn sâm sẽ lớn, mình sẽ hốt bạc”.

Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế ảnh 4

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, huyện Tu Mơ Rông là vùng căn cứ cách mạng, tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Huyện xác định giúp người đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu là công việc ưu tiên. Một trong nhiều cách được địa phương áp dụng là trao “cần câu” thông qua việc giúp đồng bào trồng cây dược liệu có giá trị cao và tham gia vào chuỗi liên kết trồng sâm với doanh nghiệp.

Trong 5 năm qua, bằng các nguồn lực, huyện đã hỗ trợ miễn phí 10.000 cây giống; giúp dân vay khoảng 50 tỷ đồng từ các nguồn vốn ưu đãi để trồng sâm. Chính quyền xã, huyện đã giúp người dân hình thành các tổ, nhóm hợp tác liên kết trồng sâm với doanh nghiệp, hợp tác xã. Lợi ích của mô hình liên kết này là người dân Xơ Đăng giữ vai trò trung tâm. Doanh nghiệp nhận được từ dân kinh nghiệm trồng sâm, còn mỗi người dân được hưởng lương từ 3-7 triệu đồng/tháng kèm thêm 100 gốc sâm giống/năm. Hiện có khoảng 400 hộ dân đồng bào tham gia mô hình liên kết này.

“Nhờ đó, đến nay có khoảng 1.400 hộ dân đồng bào Xơ Đăng đã sở hữu vườn sâm. Thu nhập từ sâm đã giúp họ thoát nghèo. Cũng nhờ trồng sâm mà người dân Xơ Đăng xây nhà to, sắm xe xịn. Nhiều tỷ phú Xơ Đăng đã xuất hiện ở vùng căn cứ cách mạng, có người thu nhập 10 tỷ đồng/năm”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, huyện đang đẩy mạnh đấu tranh chống sâm giả trà trộn vào “thủ phủ” sâm và rất vui là luôn có người dân Xơ Đăng đồng hành khi tình nguyện làm “tai mắt”. Chính người Xơ Đăng đã cung cấp hàng trăm tin báo về sâm giả để huyện xử lý. Điều này chứng tỏ, người Xơ Đăng luôn tin vào chính sách của Nhà nước nên mới tình nguyện chung tay.

Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế ảnh 5

Huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) có 2 xã biên giới là Ia Púch và Ia Mơ với người đồng bào Jrai chiếm tỷ lệ trên 80%. Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông vui mừng cho biết: “Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào trên địa bàn 2 xã còn cao. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp nên đời sống được nâng cao. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào của 2 xã này giảm khoảng 5%. Hiện nay, hộ nghèo người đồng bào của 2 xã biên giới còn thấp hơn so với mặt bằng chung của huyện”.

Huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, chính sách nổi bật là đưa người đồng bào vào làm việc tại các công ty đứng chân trên địa bàn và giúp họ thay đổi phương thức sản xuất hiện đại.

Cụ thể, trên địa bàn có 6 doanh nghiệp tư nhân, quân đội, nhà nước đóng chân. Huyện đề nghị các doanh nghiệp phải tuyển dụng con em người đồng bào vào làm việc và đã có cả ngàn công nhân làm việc tại các doanh nghiệp với mức lương từ 7-12 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra, hơn 4.000ha rừng cũng được giao cho 150 hộ dân nhận khoán bảo vệ. Huyện cũng đã làm việc với đơn vị nuôi bò để thống nhất việc giao bò cho đồng bào nuôi rồi bán lại cho công ty nhằm tạo nguồn thu cho dân.

Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế ảnh 6
Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế ảnh 7
Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế ảnh 8

Theo ông Đinh Văn Dũng, điểm nổi bật là việc thay đổi trong sản xuất lúa nước theo phương thức áp dụng sản xuất hiện đại. Huyện Chư Prông đã vận động dân chuyển từ sản xuất lúa một vụ với kỹ thuật lạc hậu sang áp dụng kỹ thuật hiện đại, máy móc, giống chất lượng cao để sản xuất lúa nước 2 vụ. Trong việc chuyển đổi này, nhà nước không làm thay mà cầm tay chỉ việc, cán bộ hướng dẫn, còn dân tự làm. Nhờ đó, dân áp dụng thành thạo kỹ thuật sản xuất lúa 2 vụ, dẫn đến năng suất cao hơn cách sản xuất cũ đến 2 tấn lúa/ha. Đến nay, 2 xã biên giới là Ia Púch và Ia Mơ đã phát triển được hơn 130ha lúa 2 vụ. “Định hướng sắp tới của huyện là mở rộng diện tích trồng lúa 2 vụ và tiếp tục chuyển giao kỹ thuật để bà con áp dụng nhằm nâng cao thu nhập cho người đồng bào biên giới”, ông Đinh Văn Dũng chia sẻ.

Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế ảnh 9
Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế ảnh 10
Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế ảnh 11
Để đồng bào ấm no, buôn làng vững mạnh - Bài 1: Cùng đồng bào làm kinh tế ảnh 12

Từ thực tế đời sống đổi thay, anh Rơh Mah Tuýt (làng Klah, xã Ia Mơ) nói, cuộc đời của anh khấm khá hơn từ năm 2021, khi được cán bộ xã xuống tận ruộng để hướng dẫn trồng lúa 2 vụ.

“Trước đó, mình trồng lúa 1 vụ/7 sào, mỗi vụ thu được 30 bao, không đủ gạo ăn. Từ lúc chuyển qua sản xuất canh tác lúa 2 vụ, cao điểm, mình thu được 103 bao lúa/vụ. Lúa ăn không hết nên mình bán bớt để đầu tư, còn lại chất kho ăn quanh năm. Hiện mình đã làm chủ được kỹ thuật sản xuất lúa 2 vụ, đời sống khấm khá, tất cả cũng nhờ Nhà nước giúp đỡ”, anh Rơh Mah Tuýt chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục