Gia cố hạ tầng cơ sở và chính sách
Một trong những vấn đề được nhiều DN nước ngoài phản ánh khi làm việc với các cơ quan chức năng là sự thiếu thống nhất trong cách thức triển khai quy định nhà nước tại các địa phương. Bên cạnh đó, những quy định chuyên ngành còn thiếu hợp lý, gây khó cho DN. Bà Magdalena Krakowiak, Tiểu ban Thuốc chất lượng quốc tế - Generic và sinh phẩm tương tự, cho biết DN châu Âu vốn có thế mạnh về đầu tư sản xuất ngành dược phẩm. Tuy nhiên, rất khó để đầu tư và phát triển thị phần tại Việt Nam bởi có nhiều quy định không thể đáp ứng.
Đơn cử như quy định đảm bảo chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm dược phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu nội dung giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm (CPP) phải có tiêu chuẩn thành phẩm, tiêu chuẩn dược chất, dược liệu, tên, địa chỉ cơ sở sản xuất dược chất, dược liệu. Điều này là không thể thực hiện được trong trường hợp thuốc có sự tham gia sản xuất bởi nhiều cơ sở sản xuất khác nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một hạn chế khác, do tầm nhìn còn hạn chế về quy hoạch, dẫn đến các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) tại nhiều tỉnh thành còn nằm rải rác, chưa tạo sự kết nối về hạ tầng và chưa thúc đẩy được sự liên kết giữa các DN. Các KCN có quy mô nhỏ; một số KCN nằm xen kẽ trong khu dân cư do tốc độ đô thị hóa nhanh. KCN nhiều nhưng lại không quy hoạch đủ đất dành cho các dự án dịch vụ, hạ tầng phúc lợi xã hội như nhà lưu trú cho công nhân, trung tâm sinh hoạt công nhân, trung tâm y tế, trung tâm thương mại, giáo dục - đào tạo….
Các hạ tầng ngoài tường rào KCN như đường sá, trạm xe buýt, đường truyền internet, điện thoại, nước sạch, điện, khu tái định cư… chưa được quy hoạch, xây dựng đồng bộ với quy hoạch và xây dựng KCN. Tình trạng này đã gây khó DN trong quá trình hoạt động hoặc mở rộng đầu tư.
Một vấn đề khác cũng được các DN đưa ra là tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của DN Việt Nam còn rất thấp. Trong 3 năm lại đây, với những chủ trương hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ, tỷ lệ này đã từng bước tăng từ dưới 10% lên khoảng 30%, nhưng so với tỷ lệ cung ứng nội địa hóa của các nước trong khu vực thì còn thấp. DN đầu tư nước ngoài vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu nên khó mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Do vậy, cần phải gia cố năng lực sản xuất và cung ứng của DN Việt.
Tháo nút thắt đầu tư
Để tháo gỡ nút thắt trong thu hút đầu tư, Chính phủ cần có những hành động mạnh mẽ hơn trong việc xử lý những bộ ngành, đặc biệt là người đứng đầu bộ ngành, nếu không cắt giảm thủ tục hành chính và quy định kiểm tra chuyên ngành, cố tình gây khó cho DN. Đây là giải pháp “đau” nhưng cần phải làm để thanh lọc trong sạch đội ngũ cán bộ quản lý, đẩy nhanh “cởi trói” cho DN đầu tư cũng như phát triển.
Cùng với đó, theo ông Đào Xuân Đức, Phó Trưởng ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, cần sớm hình thành những KCN chuyên ngành kết hợp gia tăng thu hút DN sản xuất nguyên liệu, nhất là nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chủ lực. Đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp DN giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giảm rủi ro với những biến động trên thị trường quốc tế, từng bước gia tăng năng lực cạnh tranh và thâm nhập sâu vào thị trường nói chung.
Riêng với những thành phố đặc thù như TPHCM, cần xây dựng KCN chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ từ ngân sách để điều tiết giá cho thuê đất, nhằm thu hút đầu tư các ngành công nghiệp theo mục tiêu của thành phố và Chính phủ. Song song đó, nghiên cứu chính sách hỗ trợ công ty phát triển hạ tầng xây nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm giá thành cho thuê.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế TPHCM, đã đến lúc không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá mà cần có bộ tiêu chí chọn lọc nhà đầu tư. Cụ thể, cần tập trung khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Trong đó, tập trung hỗ trợ các dự án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và quản lý, điều hành… Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ có tác động lan tỏa đến hầu hết các ngành công nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho các ngành kinh tế.
Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương thực hiện cho thấy, nhiều bộ ngành báo cáo đã cắt giảm 30% - 50% quy định, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhưng thực tế không đúng. Nhiều cơ quan, bộ ngành còn tăng thêm đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành, hoặc cùng một lĩnh vực (cấp chứng chỉ an toàn lao động cho sản phẩm, kiểm định viên) mà DN phải xin cấp phép, chứng nhận ở 9 bộ, thay vì trước đây chỉ có Bộ LĐTB-XH quản lý. |