Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao, có thể kể như điện thoại và linh kiện điện thoại đạt 4 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD; hàng dệt may và may mặc đạt 3,3 tỷ USD… Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng từ doanh nghiệp tới các bộ ngành và địa phương nhằm phục hồi sản xuất sau khi dỡ bỏ các hạn chế đi lại để phòng chống dịch Covid-19.
Không phủ nhận những thành quả trên nhưng nếu phân tích kỹ sẽ thấy còn nhiều vấn đề chưa yên tâm. Đó là, hầu hết những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao như điện thoại, máy tính… đều của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tất nhiên, trong đó có không ít chi tiết được doanh nghiệp trong nước sản xuất nhưng rõ ràng, sự tham gia của doanh nghiệp Việt vẫn còn khiêm tốn trong “tổng bảng thành tích xuất khẩu” của đất nước.
Điều này không mới. Cách đây nhiều năm, nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề: trong xuất khẩu, toàn bộ khu vực kinh tế bản địa chỉ đóng góp khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi khu vực FDI đóng góp khoảng 70% và kết luận “nhìn chung những cơ hội từ việc Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được các doanh nghiệp FDI khai thác tốt hơn doanh nghiệp Việt”. Hiện nay, điều này vẫn chưa thay đổi nhiều và đây chính là vấn đề phải điều chỉnh bởi suy cho cùng, muốn đất nước phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt phải lớn mạnh.
Trên thực tế, nhiều bộ ngành, địa phương cũng đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Trong đại dịch, nhiều bộ ngành nhanh chóng kết nối trực tuyến giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường và tìm kiếm khách hàng. Đặc biệt, để giúp doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn trong đại dịch, Chính phủ đã và đang ban hành nhiều gói hỗ trợ. TPHCM cũng có nhiều chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức liên quan các FTA cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cái khó là có tới gần 90% doanh nghiệp Việt mới ở tầm mức nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Do đó, khả năng tài chính, nhân lực còn hạn chế. Chưa kể, nhiều nơi, nhiều chỗ họ còn là “đối tượng” chính của vấn nạn nhũng nhiễu, làm khó của một số cán bộ tha hóa. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho thành viên của mình nhưng tiếng nói chưa mạnh. Ngoài ra, không ít địa phương vẫn còn tâm lý “nặng bên này, nhẹ bên kia” khi chưa quan tâm tháo gỡ khó khăn đúng mức và kịp thời cho doanh nghiệp trong nước như với doanh nghiệp FDI. Trong khi chủ trương của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng trong việc này, đó là tất cả các doanh nghiệp đều phải được đối xử bình đẳng.
Đáng nói, trong khi doanh nghiệp Việt chưa tận dụng tốt lợi thế từ các FTA trong xuất khẩu thì tại thị trường trong nước họ lại đang gặp nhiều khó khăn bởi hàng hóa nhập khẩu theo các FTA. Theo các thỏa thuận này, hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu được giảm thuế, có loại chỉ còn 0% thì ngược lại hàng hóa từ các nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam cũng được giảm có loại chỉ còn 0%. Không phải ngẫu nhiên, giá nhiều loại thịt bò nhập khẩu từ Cannada trước Tết Nhâm Dần ở TPHCM có lúc chỉ ngang với hàng trong nước. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021 Việt Nam nhập khoảng 9.000 tấn thịt bò từ Cannada với kim ngạch khoảng 60 triệu USD và con số này có xu hướng tăng trong năm nay. Không chỉ thịt bò, nhiều loại nông sản, thủy hải sản ngoại khác cũng đang “từng bước” bước chân vào thị trường Việt.
Tất nhiên, đã chấp nhận “cuộc chơi”, đã ký kết các FTA thì phải tôn trọng luật chơi. Thế nhưng, để không “hụt hơi” ở sân chơi này chỉ có một con đường duy nhất: doanh nghiệp Việt phải “lớn lên, trưởng thành lên”. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của chính doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương là rất cần thiết.