Đe dọa đến an ninh quốc phòng vịnh Đà Nẵng

Sau khi Báo SGGP ngày 3-11 có bài “
Đe dọa đến an ninh quốc phòng vịnh Đà Nẵng

Vụ cấp phép dự án trên đất chưa phân định ranh giới

Sau khi Báo SGGP ngày 3-11 có bài “Dự án du lịch trên đất chưa phân định ranh giới: Chưa thể thi công vì đang tranh cãi”, PV Báo SGGP tiếp tục tra cứu tài liệu; tiếp xúc, lấy ý kiến của các sở ngành và lãnh đạo TP Đà Nẵng về vấn đề này.

Đừng làm phức tạp tình hình

Sáng 3-11, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết trong Công văn số 6278/NC ngày 28-12-1997 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chưa thống nhất đường địa giới hành chính giữa 2 tỉnh: “Trong khi chờ xem xét và giải quyết đường địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng tại khu vực đèo Hải Vân, để tránh tình hình phức tạp có thể xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo chặt chẽ các ngành chức năng của địa phương và chính quyền các quận, huyện vùng giáp ranh không thực hiện những hoạt động làm phức tạp tình hình và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại khu vực này”. Trong nhiều năm qua, TP Đà Nẵng chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về việc giữ nguyên hiện trạng khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính thì tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho trồng cây, cấp phép xây dựng dự án tại khu vực này. “Việc tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho một doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện dự án tại khu vực tiểu khu 4A, thuộc lâm phận rừng đặc dụng Nam Hải Vân là việc làm không chấp hành chỉ đạo của Chính phủ” - ông Nguyễn Thương nói.

Ông Nguyễn Thương cũng cho biết, trước việc tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng dự án tại khu vực Nam núi Hải Vân, UBND TP Đà Nẵng đang làm văn bản báo cáo Chính phủ và kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan thu hồi giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện dự án tại đây vì khu vực này là điểm nhạy cảm về an ninh quốc phòng cho vịnh Đà Nẵng và cả TP Đà Nẵng.

Đe dọa an toàn vịnh Đà Nẵng

Phía Nam núi Hải Vân kéo dài xuống mũi Cửa Khẻm và hòn Sơn Trà con có hình cánh cung, trấn giữ cánh Bắc vịnh Đà Nẵng, phía Đông Bắc là bán đảo Sơn Trà. Vì thế, khu vực Nam núi Hải Vân và hòn Sơn Trà con được xem là “yết hầu” của vịnh Đà Nẵng, nơi mà cả Pháp và Mỹ đều “chọn” để đổ quân vào xâm lược nước ta vào năm 1858 (Pháp) và năm 1965 (Mỹ).

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, căn cứ thực tế xưa và nay đều cho thấy, cảng Đà Nẵng có vị trí chiến lược, trọng yếu về mặt quốc phòng, an ninh. Các cứ điểm tiền tiêu bảo vệ cảng và TP Đà Nẵng, gồm: đỉnh đèo Hải Vân (Hải Vân quan), hòn Sơn Trà con và bán đảo Sơn Trà tạo thành thế trận liên hoàn, hỗ trợ cho nhau rất hiệu quả. Trong lịch sử, tại hòn Sơn Trà con, triều Nguyễn đã xây dựng đài Phong Hỏa có nhiệm vụ quan sát tiền tiêu, báo hiệu cho các trạm, pháo đài bên trong vịnh Đà Nẵng.

Cảng Đà Nẵng nằm ở thế gọng kìm với một bên là bán đảo Sơn Trà và hòn Sơn Trà con. Hòn Sơn Trà con nằm án ngữ ngay chính cực Bắc cửa vịnh Đà Nẵng, nơi quan sát, bảo vệ và kiểm soát mọi hoạt động ra - vào vịnh Đà Nẵng. Cự ly từ trung tâm TP Đà Nẵng ra hòn Sơn Trà con khoảng 5km, trong khi cự ly từ trung tâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đến đây hơn 60km. Vì vậy, nếu giao không đúng thì sẽ thành việc 2 quân khu (khu 4 và khu 5) cùng quản lý, bảo vệ chung mục tiêu là cảng Đà Nẵng.

Vì vậy, việc tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép để một doanh nghiệp Trung Quốc vào đầu tư xây dựng dự án ngay tại “yết hầu” vịnh Đà Nẵng là việc làm đe dọa đến an ninh quốc phòng không chỉ của cảng Đà Nẵng, TP Đà Nẵng mà cả khu vực phía Nam kể từ đèo Hải Vân. Không những thế, khu vực mà tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng dự án tại Nam núi Hải Vân nằm rất gần với hệ thống phòng thủ khu vực cảng và TP Đà Nẵng.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Thọ, Bí Thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho biết: Hiện nay có sự chưa thống nhất giữa hai địa phương TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế tại khu vực Nam núi Hải Vân kéo dài đến mũi Cửa Khẻm và hòn Sơn Trà con nên đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định cụ thể. Trong khi chờ đợi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các địa phương giữ nguyên hiện trạng. Còn khu quy hoạch nào chồng lấn giữa hai địa phương, trong khi Thủ tướng và các bộ ngành Trung ương chưa có ý kiến cuối cùng thì đề nghị hai địa phương hợp tác với nhau giữ nguyên hiện trạng, đừng vì đó mà gây ra chuyện không hay. Hơn nữa, đây cũng là vị trí chiến lược về quốc phòng quan trọng nên phải hết sức thận trọng khi cấp phép xây dựng dự án tại khu vực này. Vì thế, Đà Nẵng sẽ có báo cáo với Quân khu 5 và các cơ quan chức năng về vấn đề này.

Theo Đại tá Lê Tiến Hưng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, năm 1986, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quang Nam - Đà Nẵng xây dựng một trạm biên phòng ở trên hòn Sơn Trà con do đại úy Vũ Xuân Hữu làm chỉ huy thực hiện nhiệm vụ. Lúc này, chỉ có lực lượng biên phòng Quảng Nam-Đà Nẵng đóng quân. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đến năm 1992, lực lượng biên phòng đóng trên hòn Sơn Trà con về lại đất liền, nhưng vẫn thường xuyên ra vào tuần tra, kiểm soát khu vực này. Thế nhưng, ngày 20-10-1995, Đồn biên phòng 236 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cử lực lượng gồm 15 cán bộ, chiến sĩ ra hòn Sơn Trà con và đóng quân cho đến nay. Nơi Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng trạm đóng quân ngày nay ngay trên nền móng của Trạm biên phòng Quảng Nam-Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, cho biết khu vực Nam núi Hải Vân kéo dài đến mũi Cửa Khẻm và hòn Sơn Trà con là do tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (sau này là TP Đà Nẵng) quản lý từ sau ngày giải phóng. Trong các bản đồ phân giới lâm phận do Bộ NN-PTNT phát hành thì khu vực này thuộc tiểu khu 4A và 4B rừng đặc dụng Nam Hải Vân do Đà Nẵng quản lý.


Chưa giải quyết dứt điểm tranh chấp địa giới

Ghi nhận của PV Báo SGGP với cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế, vào ngày 31-7-1995, hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của tỉnh Thừa Thiên - Huế được Hội đồng nghiệm thu Trung ương tổ chức nghiệm thu, tuy nhiên một phần tuyến địa giới hành chính của địa phương này với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (trước đây) vẫn chưa giải quyết xong. Và trên thực tế từ năm 1996 đến nay, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã nhiều lần làm việc với hai địa phương này nhưng vấn đề trên vẫn chưa ngã ngũ. Nguyên nhân, quá trình triển khai lập hồ sơ giới hành chính theo Chỉ thị 364/CT, đối với tuyến địa giới hành chính giữa Thừa Thiên - Huế và tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng từ điểm giáp với đỉnh cao 724m cho đến mép bờ biển (dài hơn 117km) có 115km đã được hai tỉnh thống nhất theo địa giới lịch sử. Riêng đoạn từ đỉnh cao 724m theo đường hợp thủy qua cống Ba Cửa trên tuyến đường sắt Bắc - Nam ra mép bờ biển thì phía Quảng Nam - Đà Nẵng đơn phương đề nghị không đi theo đường địa giới lịch sử. Sau khi tách tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thì tuyến địa giới hành chính giữa Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam đã thống nhất, riêng tuyến địa giới hành chính giữa Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng tính từ đỉnh cao 724m theo đường hợp thủy qua cống Ba Cửa vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

NGUYÊN KHÔI - VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục