Để đô thị di sản cất cánh

Để đô thị di sản cất cánh, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đã đồng tình với việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương trong phiên thảo luận tổ sáng 31-10. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ, các ĐB cũng chỉ ra những thách thức mà TP Huế cần vượt qua để đạt kỳ vọng phát triển bền vững.

Lo ngại về việc phát triển thiếu hài hòa giữa thành thị và nông thôn, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, khi TP Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cần phát triển theo hướng bền vững, tránh tình trạng người dân đổ về thành phố quá đông trong khi nông thôn bị bỏ quên, dẫn đến mất cân bằng giữa các khu vực.

Nếu Quốc hội thông qua việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, ở vị trí mới, TP Huế sẽ nỗ lực nhiều hơn để trở thành một trung tâm phát triển, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, trở thành cực tăng trưởng mạnh, tạo động lực phát triển cho cả khu vực miền Trung và cả nước. Trong đó, TP Huế không chỉ mang tính đặc thù về di sản văn hóa, lịch sử, mà còn có vị trí chiến lược. Huế sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận, là nơi có giá trị di sản vật thể và phi vật thể phong phú, bao gồm hàng ngàn di tích và các lễ hội dân gian truyền thống.

Trước những tiềm năng to lớn này, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) kỳ vọng TP Huế nâng cao động lực, phát huy thế mạnh về lĩnh vực văn hóa và di sản, thu hút nhiều hơn các sự kiện và hoạt động quan trọng, đồng thời đóng vai trò dẫn dắt phát triển du lịch trong nước.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương sẽ giúp thành phố khai thác tối đa tiềm năng di sản, không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là cầu nối văn hóa, thu hút bạn bè quốc tế đến với Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục