Để điện ảnh TPHCM xứng tầm

TPHCM sẽ có liên hoan phim quốc tế theo đúng chuẩn, tổ chức định kỳ hàng năm, từ năm 2024. Bước khởi động đầu tiên là liên hoan phim ngắn, dự kiến diễn ra trong tháng 5-2023.
TPHCM sẽ có phim trường rộng hàng trăm hécta tại huyện Củ Chi. Ảnh: ĐCSVN
TPHCM sẽ có phim trường rộng hàng trăm hécta tại huyện Củ Chi. Ảnh: ĐCSVN

TPHCM sẽ có phim trường rộng hàng trăm hécta tại huyện Củ Chi để giải quyết bài toán trầm kha về trường quay; đã lên kế hoạch xây dựng bảo tàng điện ảnh và trung tâm chiếu phim, sản xuất điện ảnh hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường.

TPHCM còn có đề án phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, đặc biệt với điện ảnh. Và, quan trọng không kém là các cơ chế, chính sách, đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh chiến lược 2030, tầm nhìn 2035 đã được thông qua. Nếu các đề án, kế hoạch trên từng bước được hiện thực hóa, TPHCM sẽ đúng nghĩa là trung tâm điện ảnh của cả nước, thậm chí sức ảnh hưởng có thể vươn xa hơn thế.

Không phải đến lúc này các đề án, chiến lược và sự cần thiết phải đầu tư cho điện ảnh thành phố mới được đặt ra bức thiết. Nhìn vào bức tranh tổng quan, TPHCM luôn dẫn đầu cả nước về số lượng phim điện ảnh được sản xuất hàng năm, thị phần rạp chiếu và doanh thu... TPHCM hiện có hơn 100 cơ sở đăng ký sản xuất và phát hành phim, trong đó có 30 cơ sở hoạt động thường xuyên.

Ngược dòng lịch sử, những thước phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam được sản xuất cũng từ cái nôi điện ảnh Bưng Biền - Nam bộ, vốn có truyền thống 76 năm trước khi điện ảnh cách mạng Việt Nam được thành lập. TPHCM cũng là mảnh đất dung dưỡng cho các nhà sản xuất hay hãng phim tư nhân, bắt đầu nở rộ từ những năm 80-90 của thế kỷ 20, trước khi bùng nổ xã hội hóa điện ảnh và đạt được những thành tích ấn tượng hiện nay. Vậy nên, chuyện xây dựng bảo tàng điện ảnh, trung tâm chiếu phim và sản xuất phim vừa là cách tiếp nối truyền thống, tận dụng và phát huy mọi nguồn lực sẵn có. Và, quan trọng hơn, nó sẽ tạo nên quy trình sản xuất chuyên nghiệp để hướng đến mục tiêu trở thành ngành công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa.

Về mặt thương hiệu, việc TPHCM có riêng một liên hoan phim quốc tế độc lập so với thương hiệu Liên hoan phim quốc tế Hà Nội là điều tất yếu, nhất là khi đã có sự cởi trói về quy định từ Luật Điện ảnh 2022. Trước đó, khi góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, khi đó còn là Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, đã nhấn mạnh đến việc rất nên tổ chức một LHP quốc tế tại TPHCM. Điều này sẽ đồng thời đánh trúng nhiều mục tiêu: quảng bá sâu rộng hơn hình ảnh đất nước, con người, văn hóa nghệ thuật Việt Nam và đặc biệt là TPHCM; thu hút sự chú ý của giới chuyên môn cũng như công chúng khán giả trong và ngoài nước; kích cầu du lịch... Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, từng tiết lộ, hơn 10 năm về trước đề xuất tổ chức LHP quốc tế tại TPHCM đã nhận được đồng thuận, nhưng chưa thực hiện được vì ràng buộc về quy định.

Muốn làm điện ảnh, trước hết chúng ta phải có những con người điện ảnh thực thụ, ở tất cả các khâu, từng bước tăng về số lượng, theo đà nâng cao chất lượng. Với khí thế sôi nổi của những người làm điện ảnh ở TPHCM, tin rằng “tiền hô” sẽ có “hậu ủng”. Khi con đường phát triển của Điện ảnh TPHCM có những tín hiệu khả quan, niềm tin được bồi đắp, điều cần nhất lúc này chính là những hành động quyết liệt, sự nhập cuộc mạnh mẽ, chung sức, đồng lòng của tất cả các nguồn lực xã hội.

Tin cùng chuyên mục