Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng có giải pháp phù hợp, trong đó ưu tiên mời gọi nhà đầu tư tiềm lực bỏ vốn trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị của di tích, thu hút khách tham quan và du lịch, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Di tích quốc gia xuống cấp
Đền thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương trên đường Bùi Hữu Nghĩa (phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa), bên bờ hữu ngạn sông Đồng Nai, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992. Đền thờ rộng khoảng 3.000m², kiến trúc theo lối chữ Công gồm tiền đình, chánh điện và khách xá, mái lợp ngói vảy cá. Hiện đền thờ đang xuống cấp nghiêm trọng, cổng đền, mái ngoài và khu vực sân chính đền, tượng và bảng ghi công đã bong tróc sơn, cũ kỹ phủ dày lớp bụi; cửa vào đền thờ đóng kín, bên trong đìu hiu không một bóng người lui tới, nhang khói cũng không còn như những năm trước.
Ông Phạm Văn Hê (còn gọi là ông Năm Gạo, 83 tuổi), Phó Trưởng ban quý tế của đền thờ, cho hay: “Dòng họ của ông Nguyễn Tri Phương ở TPHCM rất đông, trước kia thường đi xe lửa đến đền thờ thăm viếng, lễ cúng hàng năm vào các ngày 16, 17-10 Âm lịch. Nhưng giờ di tích hoang vắng do không được đầu tư, tôn tạo, lư hương bằng đồng cũng bị lấy trộm, phải mua lư hương nhựa thay thế”.
Cách đó không xa là ngôi nhà cổ Trần Ngọc Du (phường Tân Vạn, TP Biên Hòa), đã được UNESCO trao “Giải thưởng công trạng kiến trúc nhà Việt cổ” (năm 2004) và UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (năm 2005). Hiện ngôi nhà đang dần trở thành phế tích, tấm bảng hiệu đặt ngoài đầu đường chỉ dẫn vào khu nhà cổ bị gãy đổ hơn một năm nay, mặt bàn tiếp khách bị mối mọt đục thủng, gãy rụng, nhưng người thân của ông Du không có tiền sửa chữa.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai, tỉnh hiện có nhiều di tích ở trong tình trạng xuống cấp và di tích càng lớn tuổi, nguy cơ xuống cấp càng cao. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh lộ trình trùng tu, tôn tạo di tích đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 và cần phải khảo sát, từ đó đưa vào lộ trình xếp hạng nhằm lên phương án, đầu tư và tôn tạo phù hợp với hệ thống các di tích đã xếp hạng.
Ưu tiên trùng tu di tích quốc gia
Ghi nhận của PV Báo SGGP, từ đầu năm 2022 đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành kiểm kê văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống với các di tích Văn miếu Trấn Biên, đình Hưng Phú, Phước Lư, Thành Hưng (TP Biên Hòa), lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh với di tích đình Định Quán (huyện Định Quán) và di tích khảo cổ học Gò Me (huyện Nhơn Trạch). Đồng Nai cũng đang ưu tiên trùng tu các di tích cấp quốc gia trên địa bàn nhằm phát huy giá trị, giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Tuy nhiên, do nguồn vốn ưu tiên đầu tư ở các dự án kinh tế - xã hội trọng điểm, nên rất cần huy động nguồn vốn xã hội hóa. Ông Trương Lâm Thủy, Trưởng Ban trị sự di tích miếu Tổ sư (phường Bửu Long, TP Biên Hòa), chia sẻ: “Cổng tam quan hoàn thành trùng tu từ nguồn xã hội hóa, từ chất liệu đá xanh Bửu Long nhờ kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ, tu bổ. Nguồn tiền từ xã hội hóa, chúng tôi công khai, minh bạch, có sự giám sát của cộng đồng. Hiện miếu đã khang trang, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân tại địa phương”.
Còn theo ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Trưởng ban Trị sự Thất Phủ cổ miếu chùa Ông (TP Biên Hòa) từ nhiều năm nay, mỗi đợt chùa Ông trùng tu, tôn tạo đều có đóng góp của bà con địa phương và cứ 2 lần/năm, bà con đều tham gia lau chùi, diệt mối mọt các cấu kiện trong chùa. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa do cộng đồng dân cư trong và ngoài tỉnh, bà con không phải âu lo khi tổ chức lễ hội chùa Ông vào dịp đầu xuân mới.
Hiện Đồng Nai có nhiều di tích làm tốt công tác xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo như chùa Ông (TP Biên Hòa), đình Xuân Hòa, chùa Xuân Lộc (TP Long Khánh), miếu Quan Âm 116 (huyện Định Quán); trong đó di tích đình Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) được đầu tư gần 10 tỷ đồng để trùng tu chánh điện, tiền điện và hậu đình - đang là động lực để các nhà đầu tư chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo các di tích.
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Ân cho biết, tỉnh luôn tạo cơ chế, sự quản lý thông thoáng giúp người dân gìn giữ, phát huy giá trị của di tích và ngoài nguồn ngân sách đầu tư cho di tích, các di tích phổ thông như đình làng, thiết chế thờ cúng, tín ngưỡng dân gian sẽ trùng tu bằng nguồn xã hội hóa.