Nhiều năm trước, hoạt động giảng dạy trực tuyến đã được áp dụng ở một số đơn vị trường học nhưng chỉ với quy mô và hàm lượng giới hạn. Kể từ khi dịch Covid-19 lây lan rộng, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, phương thức giảng dạy trực tuyến vì vậy cũng lên ngôi. Nhưng theo ý kiến số đông nhà trường và thầy cô, thì để tổ chức dạy trực tuyến hiệu quả không chỉ… cài “app” là xong.
Căng mình chuẩn bị
Số lượng sinh viên ở các trường đại học (ĐH), ít thì có vài ngàn, nhiều thì lên đến vài chục ngàn. Như tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) với gần 22.000 sinh viên, công tác chuẩn bị hết sức căn cơ.
PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, cho hay: “Giảng dạy trực tuyến không chỉ là đóng vai “diễn viên thay thế”, mà sẽ dần là thành tố không thể thiếu, là “diễn viên chính” của hoạt động đào tạo trong tương lai. Để triển khai phương thức này một cách thuận lợi, thông suốt, ít bị sự cố, các mảng lớn của công tác chuẩn bị đó là: cơ sở hạ tầng phục vụ; học liệu đặc thù online và con người (bao gồm cả thầy và trò)”. Về mảng cơ sở hạ tầng, việc chuẩn bị một băng thông mạnh là yếu tố quan trọng. Tại Trường ĐH Bách khoa, số lượng lớp học trong mỗi học kỳ thường đạt từ 3.000-3.500; Số lớp đồng thời được tiến hành trong cùng thời điểm có thể đạt đến mức 220-250.
Năm 2020, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, giai đoạn TPHCM chưa thực hiện giãn cách xã hội, Trường ĐH Bách khoa đã tổ chức đào tạo trực tuyến theo hình thức tạm gọi là trực tuyến tập trung. Ở hình thức này, trường xây dựng 22 phòng (studio) tại các lớp học ở giảng đường, trang bị 2-3 máy tính, hệ thống camera, thiết bị ánh sáng, thu âm, phần mềm đạo diễn với các chế độ cài đặt đặc thù: thu/phóng vào vị trí bàn giảng viên, bục giảng, bảng cá nhân, các slides bài giảng trên máy tính cá nhân. Các video bài giảng được đưa lên hệ thống bài giảng điện tử của trường (hệ thống BKeL) lưu trữ, cùng các phòng tương tác giữa giảng viên và sinh viên/học viên trong phần bài tập hoặc dự án. Để hệ thống có thể hoạt động thông suốt, với số lượng lớp học lớn như vậy, trường đã tiến hành mở rộng băng thông mạng từ 200Mbps lên hơn 700Mbps. Đó là chưa kể phải tăng cường băng thông tải lên (upload) của đường truyền hiện có, hỗ trợ băng thông tải về (download) của từng sinh viên...
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, tính đến ngày 12-10, có 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 8 địa phương kết hợp dạy học vừa trực tiếp vừa trực tuyến, qua truyền hình; 32 địa phương dạy học hoàn toàn trực tuyến và truyền hình. Đối với việc triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đến ngày 12-10, ngành giáo dục đã huy động, vận động khoảng 66,82 tỷ đồng và hơn 800.000 thiết bị theo cam kết tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp. |
Đến năm 2021, lượng truy cập để tham gia lớp học cũng như lượt xem lại/tải bài giảng của sinh viên trong cùng thời điểm là rất lớn, yêu cầu băng thông rộng. Ở các buổi kiểm tra, thi cử thì đường truyền của hệ thống BKeL càng cần nâng cấp mạnh hơn để đáp ứng yêu cầu. Ở hoạt động kiểm tra, các lớp học được chia không quá 25-30 sinh viên cộng với 2 giám thị và 1 thanh tra giáo dục để đủ với không gian màn hình máy tính. Ngoài ra, để bảo đảm các buổi kiểm tra, thi cử trung thực, tất cả hoạt động này đều được thu hình và lưu trữ. Do lượng dữ liệu video và ảnh chụp bài thi của 22.000 sinh viên khá lớn nên vấn đề thuê và vận hành hệ thống lưu trữ phải được quan tâm đúng mức. Các dữ liệu này cần lưu trữ suốt thời gian học của sinh viên tại trường từ 4 - 6 năm. Đó là chưa kể kinh phí duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị phục vụ thí nghiệm, thực hành, công tác xưởng.
Về mảng học liệu đặc thù của dạy học trực tuyến, đa phần giảng viên của trường phải mất nhiều thời gian để soạn, sửa, làm mới từ bài giảng đến bài kiểm tra, bài thi trắc nghiệm.
Mảng cuối cùng và đặc biệt quan trọng là chuẩn bị tâm lý, nhận thức cho đội ngũ giảng viên và sinh viên tham gia việc dạy - học theo hình thức trực tuyến. Hình thức giảng dạy khá mới mẻ, còn gây nhiều bỡ ngỡ cho những người tham gia, do đó, trường chuẩn bị hỗ trợ đúng mức để mọi thành viên dần tương thích với hoạt động giảng dạy đặc thù này.
Giáo viên thời “bao tất”
Đối với bậc phổ thông, những hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, trình độ am hiểu kỹ thuật công nghệ của cả thầy lẫn trò khiến việc dạy - học trực tuyến còn vất vả hơn.
Với cô N.T.T, giáo viên Vật lý một trường THCS ở quận Bình Thạnh, dạy học trong mùa dịch đòi hỏi giáo viên phải “bật chế độ tự động” 24/24, tức khi học sinh cần là giáo viên có mặt. Cô T. cho biết, trường có quy định thời gian lên lớp trực tuyến nhưng một số thời gian còn lại học sinh phải hoàn thành các nhiệm vụ học tập đã được thầy cô giao. Có những hôm 23 giờ vẫn có học sinh gọi điện nhờ cô tư vấn cách làm bài tập vì “sau 22 giờ mạng internet nhà em mới mạnh”.
Với thầy Hoàng Sĩ Đăng, giáo viên dạy kỹ năng sống, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), ngoài kiến thức chuyên môn, mỗi thầy cô trong giai đoạn dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh còn phải tự trang bị cho mình kỹ năng chăm sóc sức khỏe, biện pháp phòng chống dịch, giải tỏa áp lực tâm lý… để kịp thời tư vấn cho học sinh. “Thời gian dành cho công việc gấp 3-4 lần ngày thường, tin nhắn facebook hay điện thoại với tần suất dày đặc. Vì vậy, tôi đã thành lập một group trao đổi với hơn 2.000 thành viên để tập trung các đầu mối thông tin, tăng cường hiệu quả quản lý và tổ chức dạy học”, thầy Đăng cho biết.
Ngoài ra, theo cô Lưu Thị Hà Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận 3), năm ngoái dạy học trực tuyến được xác định là phương pháp học tập tạm thời, nhưng năm nay phải thực hiện trong thời gian dài vì dịch bệnh. Do là học kỳ đầu tiên dạy học hoàn toàn trực tuyến nên giáo viên và học sinh đều vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Như với các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa, giáo viên phải hướng dẫn học sinh cách chuyển bài làm qua định dạng word hoặc PDF, vì nếu để định dạng hình ảnh giáo viên chấm bài rất cực. Ngoài ra, chất lượng dạy học trực tuyến không chỉ đánh giá bằng tỷ lệ học sinh tham gia lớp học mà mục tiêu quan trọng hơn là tạo được thói quen tự học cho các em.