Dạy trực tuyến bắt đầu từ lớp 1
Từ giữa tuần qua, Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) triển khai dạy học trực tuyến đối với học sinh tất cả khối lớp. Chị Nguyễn Nga, phụ huynh học sinh khối 2, cho biết, trường đăng tải nội dung các bài học dưới dạng video clip trên kênh YouTube của nhà trường.
Ngoài ra, giáo viên kết hợp giao bài tập qua email hoặc gửi Zalo, Viber cho phụ huynh in ra để con luyện tập thêm ở nhà. Đầu mỗi tuần học, giáo viên sẽ gửi kế hoạch và thời khóa biểu môn học trực tuyến cho cả tuần. Học sinh khối 2 được học trực tuyến 6 môn gồm Toán, Tiếng Việt, Âm nhạc, Tin học và Thể dục.
Riêng môn Tiếng Anh chỉ ôn tập kiến thức cũ, chưa triển khai bài học mới. Học sinh sau khi xem các đoạn video clip bài giảng (độ dài 6 - 10 phút) sẽ tự làm bài tập tại nhà, sau đó đối chiếu với đáp án giáo viên đã gửi cho phụ huynh.
Kết thúc mỗi ngày học, phụ huynh có nhiệm vụ báo cáo tình hình con hoàn thành bài vở, có nội dung nào còn thắc mắc cho giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nhận được sự hỗ trợ. Trung bình mỗi ngày, thời gian học trực tuyến của học sinh kéo dài 30 - 60 phút.
Thời điểm hiện tại, Trường Tiểu học Lê Văn Tám đã hoàn chỉnh kế hoạch dạy học cho từng tổ bộ môn. Bước đầu, học sinh sẽ được tổ chức ôn tập một số kiến thức trọng tâm từ đầu học kỳ đến thời điểm được nghỉ Tết Canh Tý. Sau đó, mới triển khai các bài giảng mới theo phân phối chương trình học kỳ 2 (từ tuần 21 đến tuần 23) bằng hình thức xem video clip bài giảng đăng tải trên mạng.
Trong thời gian thực hiện, giáo viên chủ nhiệm sẽ thường xuyên thống kê số lượng học sinh tham gia qua mỗi buổi học, tiến hành động viên, nhắc nhở các em. Kết thúc bài học, học sinh được gửi các phiếu bài tập trắc nghiệm để kiểm tra, đánh giá mức độ tiếp thu.
Dự kiến, sau 2 tuần triển khai chương trình học, nhà trường sẽ có tổng hợp đánh giá và rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho kế hoạch giảng dạy những tuần tiếp theo, nếu thời gian nghỉ học của học sinh tiếp tục kéo dài.
Với cách làm khác, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) triển khai dạy học trực tuyến thông qua phần mềm Zoom; học sinh có thể thao tác trên máy vi tính hoặc điện thoại di động.
Song song đó, nhà trường còn triển khai kho bài giảng e-Learning trên website của trường, thường xuyên cập nhật các chủ đề học theo ngày, giúp phụ huynh và học sinh có thể dễ dàng theo dõi.
Với học sinh các khối 1, 2, 3, bài giảng trực tuyến gồm 2 môn Toán và Tiếng Việt; riêng đối với hai khối 4, 5 có thêm các môn Lịch sử, Địa lý và Khoa học.
Ngoài việc cung cấp kiến thức cho học sinh, dạy học trực tuyến còn tạo ra kênh liên lạc giúp nhà trường và phụ huynh phối hợp tốt trong việc quản lý học sinh, hướng các em đến những hoạt động học tập, vui chơi bổ ích trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh.
Quan trọng là tạo hứng thú cho học sinh
Theo ThS. Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM: “Ở các nước phát triển, dạy học trực tuyến đòi hỏi chuẩn bị chu đáo và công khai, trong đó triển khai hệ thống bài giảng, kiểm tra và đánh giá mức độ tiếp thu của người học. Quan trọng nhất là trước khi tham gia học trực tuyến, người học đã được phổ biến tất cả thao tác, phương pháp cũng như mục đích dạy học. Trong khi đó tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, dạy học trực tuyến được xem là một trong những giải pháp tình thế, vừa là cơ hội, song cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành giáo dục và đào tạo”.
Từ thực tế đó, nhà giáo này kiến nghị cơ quan chức năng cần ngồi lại xem xét triển khai những nội dung gì, tổ chức dạy học ra sao để đạt chất lượng và hiệu quả.
Ông cũng bày tỏ, nếu giáo viên triển khai dạy học trực tuyến theo các bước lên lớp giống như phương pháp dạy học truyền thống (giáo viên và học sinh trực tiếp tương tác trên lớp) hoặc tái hiện kiến thức một cách máy móc qua hình thức quay video clip bài giảng, sẽ không phát huy hiệu quả. Thay vào đó, giáo viên cần đầu tư những cách dẫn dắt thu hút, mới lạ, kết hợp dạy kiến thức với tổ chức hoạt động nhằm hấp dẫn học sinh mà vẫn đáp ứng mục tiêu bài học.
Ở góc độ khác, theo cô N.T.T, giáo viên một trường tiểu học ở quận 5, các trường không nên có suy nghĩ học sinh lớp 1 đọc chưa thông, viết chưa thạo thì làm sao thao tác trên máy tính. Bởi thực tế đã chứng minh, chỉ cần các em nhận biết được mặt chữ hoàn toàn có khả năng học trực tuyến.
Vấn đề còn lại là giáo viên phải làm sao phát huy được thế mạnh của phương pháp dạy học này, như tăng tính tương tác giữa học sinh và giáo viên, giữa các học sinh với nhau; thay đổi từ vị trí người truyền thụ kiến thức thành người dẫn dắt, hỗ trợ, giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn phát triển năng lực, phẩm chất.