Một vấn đề được báo chí đặt ra tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5-2 là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên sẽ là một thách thức lớn.
Lý giải về mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trước đây, khi triển khai nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng được đặt ra là 6,5-7%, với định hướng phấn đấu đạt 7-7,5%. Tuy nhiên, Trung ương đã quyết nghị và chỉ đạo điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025, đặt ra yêu cầu phải đạt từ 8% trở lên.
Mục tiêu này không chỉ giúp hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của cả giai đoạn 5 năm mà còn tạo nền tảng vững chắc để bước vào một giai đoạn phát triển mới. Việc đạt được mức tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 sẽ là tiền đề để hướng đến tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo, với kỳ vọng đạt mức 2 con số, tức trên 10%.
Để triển khai các nghị quyết của Trung ương với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã chuẩn bị đầy đủ các nội dung và hồ sơ cần thiết. Chính phủ sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường sắp tới và đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng.
Bộ KH-ĐT cũng đã chuẩn bị một dự thảo nghị quyết riêng của Chính phủ nhằm triển khai nhiệm vụ quan trọng này. Trong đó, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết và giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng địa phương trên cả nước, đồng thời xác định một số chỉ tiêu chính dành cho các bộ, ngành ở Trung ương. “Chúng tôi đề xuất đặt mục tiêu phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi thay vì áp đặt cứng nhắc cho từng địa phương. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, chúng ta cần có quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt’, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nêu.
Với yêu cầu tăng trưởng cao hơn, cường độ thực hiện các giải pháp này cũng phải được nâng lên tương ứng. Điều này đòi hỏi tất cả các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm triển khai ở mức độ cao hơn, thậm chí gấp đôi so với trước đây. Mỗi cá nhân, mỗi đơn vị phải làm việc với năng suất gấp đôi so với hiện tại thì mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mới.
Trong số các giải pháp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, về đầu tư công, cần tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo các dự án được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ và mang lại giá trị thực tiễn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, phấn đấu đưa tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% tổng chi ngân sách nhà nước, nhằm dành nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư phát triển. Đầu tư công cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt thông qua việc triển khai sớm một số dự án quan trọng như tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, kết nối quốc tế và khu vực phía bắc (tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; các tuyến Hà Nội – Lạng Sơn và Hải Phòng – Quảng Ninh – Móng Cái)..
Cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư của doanh nghiệp, cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân; tháo gỡ vướng mắc, khơi thông các thị trường quan trọng trong nước, bao gồm thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…
Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Hiện nay, Việt Nam đang có vị thế rất tốt trên bản đồ công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực AI và các công nghệ cao khác. Đây là lợi thế và cơ hội quan trọng để Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, tạo nên những động lực tăng trưởng mới.
Tại họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng làm rõ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP đạt trên 8%.
GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% tăng trưởng GDP. Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18-20%.
Theo ông Đào Minh Tú, cuối năm 2023, tổng dư nợ khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, đến cuối năm 2024 là 15,5 triệu tỷ đồng - tăng thêm vào nền kinh tế dư nợ khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Tổng cả năm 2024, doanh số cho vay năm 2024 là 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ là 21 triệu tỷ đồng để có được 7,09% tăng trưởng GDP.
Về định hướng chính sách tiền tệ cho mục tiêu tăng trưởng 8%, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, phải kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền; hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế. Với mục tiêu này, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khóa, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại.
“Năm 2025, điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục linh hoạt, chặt chẽ và phù hợp với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại… Trong trường hợp cần có vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu thì Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ điều hành của mình trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ…", ông Đào Minh Tú nói và cho biết, các chính sách tín dụng ưu đãi khác, lãi suất thấp sẽ được triển khai tích cực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…