Tại đây, bên cạnh quan sát trên bản đồ, người dùng có thể theo dõi hình ảnh trực tuyến từ hệ thống 685 camera giao thông (bao gồm: 414 camera giám sát giao thông, 155 camera của VOV giao thông, 34 camera của UDC, 34 camera của Trung tâm giám sát phố đi bộ Nguyễn Huệ và 16 camera trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây).
Cũng trên ứng dụng, nhấn vào mục thông tin, người dùng sẽ được cảnh báo kịp thời thông tin những vụ tai nạn, ngập nước, phân luồng giao thông; vị trí các bãi đậu xe, nhà vệ sinh công cộng, bệnh viện, rào chắn thi công công trình.
Đặc biệt, người dân có thể truy vấn thông tin giao thông bằng thao tác gửi nhắn tin ngay trên ứng dụng này. Chẳng hạn, muốn tìm kiếm camera giao thông quanh khu vực mình, chỉ cần soạn tin nhắn có cú pháp #Cam <khu vực>, hệ thống chatbot sẽ trả về tự động thông tin bạn cần. |
Ngoài ra, chatbot còn có khả năng học, nên khi người dùng tương tác càng nhiều với Chatbot, Chatbot sẽ học được những dữ liệu mới mà người dùng hỏi để dần trả về kết quả chuẩn xác nhất.
Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, cho biết từ tháng 1-2017, Sở GT-VT TP đã tổ chức thí điểm cổng Thông tin giao thông TPHCM với phiên bản web và ứng dụng di động trên nền tảng iOS và Android, đạt hiệu quả tốt khi có hơn 2,2 triệu lượt truy cập, lượng người sử dụng trung bình từ 300-650 người/thời điểm.
Trong thời gian tới, đơn vị này tiếp tục kết hợp với Zalo để triển khai, bổ sung thêm nhiều tính năng mới, nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của người dân, như: thông tin bãi đậu xe, giấy phép lưu thông, đăng kiểm, xử lý vi phạm giao thông, hành trình xe buýt. |