Dễ dàng mua chất kịch độc: Nhiều lỗ hổng trong quản lý

Chất kịch độc Xyanua có thể gây tử vong rất nhanh với liều lượng nhỏ. Trong công nghiệp, nó thuộc nhóm hóa chất được quản lý sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Tuy vậy, mua Xyanua hay một số hóa chất nguy hiểm khác trên “chợ mạng” là điều trong tầm tay.

Xyanua được phóng viên Báo SGGP đặt mua qua Facebook. Ảnh: GIAO LINH
Xyanua được phóng viên Báo SGGP đặt mua qua Facebook. Ảnh: GIAO LINH

“Nổ đơn”, giao tận nhà

Là chất độc đầu bảng có thể gây chết người chỉ bằng một lượng rất nhỏ, nhưng Xyanua được mua bán công khai trên mạng internet. Trang web của một số công ty hóa chất có rao bán Potassium cyanide (Kali Xyanua) dạng thùng 50kg xuất xứ Mỹ, hoặc đóng gói dạng hộp 1kg xuất xứ Đức, nằm trong danh mục hóa chất xi mạ. Tuy nhiên, bất ngờ nhất là việc mua bán Xyanua trên Facebook diễn ra vô cùng dễ dãi, điều kiện duy nhất để mua chất kịch độc này là… tiền.

Theo đó, tài khoản Facebook “N.T.N.” giới thiệu bán lẻ Xyanua dùng cho xi mạ vàng hoặc thí nghiệm, với giá 500.000 đồng/100gram. Người này cam kết “hàng chuẩn”, có thể giao ngay trong nội thành TPHCM. Giao dịch diễn ra nhanh gọn. Sau khoảng 2 giờ, người mua nhận một gói hàng không nhãn hiệu, bao bì, bên trong là các viên màu trắng, dạng tinh thể, được người bán khẳng định là “Xyanua cực độc, phải cẩn trọng vì có thể chết người”.

Còn theo một người xưng tên C.N.A. (ngụ quận Bình Tân, TPHCM), hiện nay, Natri Xyanua dạng lỏng khá hiếm (giá 170.000 đồng/lọ 10ml), còn dạng bột luôn sẵn có với số lượng lớn. Người này ra giá 250.000 đồng/500gram, rẻ hơn nếu mua sỉ, vận chuyển qua đường bưu điện. Chúng tôi hỏi địa chỉ của cửa hàng thì A. cho biết, cửa hàng chỉ phân phối trực tiếp cho mối sỉ, khách lẻ chỉ bán trực tuyến.

Trong khi đó, tài khoản có tên “H.C.T.P.” lại rao bán Xyanua dạng bột đóng gói 500gram với giá 250.000 đồng nếu là hàng nhập từ Trung Quốc, 400.000 đồng nếu lấy hàng nhập từ Đức, giao đến TPHCM trong vài ngày. Lý giải sự chênh lệch giá cả, người bán khẳng định Xyanua không đắt nhưng bị “hét giá” vì ít mối bán lẻ. Khi khách hàng lo ngại nguy cơ vi phạm luật vì mua bán hóa chất độc hại, người này khẳng định “không lo vì số lượng ít, đóng gói bao bì ghi “hóa chất tẩy rửa” rồi vận chuyển bình thường”.

Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, ông N.T., một người có thời gian dài làm trong lĩnh vực khai thác vàng, cho biết, trước đây, Xyanua được sử dụng phổ biến nhất trong giới làm vàng ở Việt Nam. “Tuy nhiên khoảng 10 năm trước, công nghệ lọc vàng bằng Xyanua đã bị cấm hoàn toàn do ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sông ngòi và đời sống của người dân. Hiện nay, không ai dùng chất này trong khai thác vàng mà có công nghệ hiện đại rồi”, ông T. cho biết.

Những vụ đầu độc bằng Xyanua dẫn đến chết người

Năm 2019, tại tỉnh Thái Bình, dư luận bàng hoàng với vụ việc một phụ nữ yêu anh rể nên mua Natri Xyanua loãng bơm vào trà sữa để đầu độc chị họ. Hậu quả, một nữ đồng nghiệp của chị họ tử vong. Thủ phạm bị tuyên án tử hình.

Năm 2022, nữ sinh 21 tuổi (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mua Xyanua tại chợ Kim Biên (TPHCM) để đầu độc cha ruột. Người này bị tuyên án tù chung thân.

Năm 2023, một thiếu niên 14 tuổi (ngụ tỉnh Tiền Giang) đã dùng bả chó (có thành phần chính gồm lưu huỳnh và Xyanua) trộn vào sữa bột khiến cha và bà nội tử vong.

Mới đây nhất, dư luận lại rúng động khi bị can Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) khai nhận đã dùng Xyanua đầu độc 4 người thân khiến 3 người tử vong, người cháu 18 tuổi may mắn được Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) cứu sống.

Phải có phiếu kiểm soát khi mua bán hóa chất độc hại

Sáng 9-7, tại chợ Kim Biên - chợ hóa chất nổi tiếng của TPHCM, chúng tôi ghé một vài cửa hàng hỏi mua “muối xi mạ” (hợp chất của Xyanua) nhưng chỉ nhận về cái lắc đầu: “Không bán, vào trong kia hỏi xem thử”. Theo một nhân viên tại đây, Xyanua thường chỉ bán cho khách quen là các mối sỉ phục vụ trong sản xuất công nghiệp, vì dùng sai mục đích có thể gây chết người. Tuy nhiên, cũng chính tại chợ này, nhiều hóa chất nguy hiểm khác được mua dễ dàng mà không ràng buộc bất kỳ quy định nào.

J4a.jpg
Chợ Kim Biên - chợ hóa chất nổi tiếng của TPHCM. Ảnh: BÙI TUẤN

Việc mua bán hóa chất độc hại dễ dàng đã tiếp tay cho không ít tội ác, được ngụy trang dưới lớp vỏ tai nạn hoặc ngộ độc. Tháng 10-2023, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận ông P.M.T. (55 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) nguy kịch sau khi uống sữa bột. Dựa trên diễn biến và triệu chứng, các bác sĩ nhận định nạn nhân ngộ độc cấp, nghi ngờ do nhiễm độc chất. Từ suy luận này, các bác sĩ đã khoanh vùng 5 chất độc (bao gồm Xyanua, Asen…), giúp hỗ trợ công tác điều tra của cơ quan công an. Kết quả điều tra sau đó cho thấy, người cháu 14 tuổi đã mua bả chó trộn vào sữa bột đầu độc bà nội và cha khiến 2 người tử vong.

Theo luật sư Nguyễn Thế Cương (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Đức Chính), Xyanua và một số hợp chất của nó không thuộc danh mục hóa chất bị cấm bán mà thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp. Do vậy, cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh hay mua bán hóa chất độc hại này cần tuân thủ đúng quy định của Luật Hóa chất 2007, Nghị định 113/2017/NĐ-CP và Nghị định 17/2020/NĐ-CP. Theo đó, chủ thể kinh doanh hóa chất nguy hiểm phải đáp ứng nhiều điều kiện như: bảo đảm an toàn trong kinh doanh hóa chất, yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật, chuyên môn, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện…

Cũng theo luật sư Nguyễn Thế Cương, theo quy định tại Điều 23 Luật Hóa chất, việc mua bán hóa chất độc hại phải có phiếu kiểm soát để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường. Trong phiếu sẽ bao gồm các thông tin về tên và số lượng hóa chất, mục đích sử dụng, tên và chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, thông tin tùy thân của người đại diện các bên. Phiếu kiểm soát phải được lưu giữ ít nhất 5 năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Quy định pháp luật là vậy, nhưng thực tế ghi nhận có những lỗ hổng được nhìn thấy nhưng chưa được ngăn chặn hiệu quả.

BS NGUYỄN PHẠM CAO KHOA, Khoa Nội Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM):

Xyanua gây chết người cực nhanh

Xyanua và các hợp chất của nó tồn tại ở thể khí không màu hoặc ở dạng tinh thể. Chỉ cần khoảng 50-200mg Xyanua xâm nhập qua đường miệng, hoặc hít khoảng 0,2% dạng khí cũng đủ khiến một người tử vong. Xyanua được hấp thu nhanh, ức chế rất mạnh với hô hấp tế bào, nạn nhân cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, thở nhanh, nhịp tim tăng cao, suy hô hấp. Trong tự nhiên, Xyanua được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như sắn, măng ở dạng glucosid là glycosid cyanogen.

Luật sư ĐỖ DOÃN ĐẠI, Đoàn Luật sư TPHCM:

Quy định còn bất cập

Luật Hóa chất 2007 quy định rõ điều kiện đối với tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất các sản phẩm hàng hóa; nhưng với tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cho mục đích tiêu dùng thì lại hết sức sơ sài, lỏng lẻo. Vì thế, người mua dùng cho mục đích cá nhân lại tìm đến nơi bán cho phục vụ sản xuất (có điều kiện). Nơi bán hóa chất lại nằm trong các khu chợ sỉ, các cửa tiệm quanh khu vực chợ sỉ, giao dịch một nơi giao hàng một nẻo. Do đó, sự đối chiếu, kiểm soát hầu như không được kiểm tra, giám sát. Tùy trường hợp người mua bán có mục đích tiêu dùng vi phạm các luật chuyên ngành khác hay không thì sẽ bị xử lý theo pháp luật tương ứng.

TS-BS LÊ QUỐC HÙNG, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Trưởng đơn vị chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy:

Chẩn đoán và xác định độc chất không dễ dàng

Thế giới có hàng trăm, hàng ngàn loại độc chất, trong đó ngộ độc Xyanua, Arsen… là dạng hiếm gặp. Để cứu một người bệnh nghi ngộ độc cấp tính đòi hỏi bản lĩnh của cả ê kíp điều trị. Chúng tôi phải chạy đua với thời gian để giữ mạng sống cho người bệnh, đồng thời phải phán đoán và xác định độc chất đó là gì. Nếu phán đoán đúng, cơ hội sống và phục hồi sau này của người bệnh rất cao, chi phí điều trị cũng giảm rất nhiều. Kỹ thuật xét nghiệm hiện nay rất hiện đại nhưng vẫn có những chất không thể tìm ra một cách trực tiếp, phải xét nghiệm gián tiếp tìm một chỉ số khác… Tất nhiên, việc điều trị không thể đợi chờ kết quả độc chất mà phải gấp rút, chạy đua từng giây phút để cứu sống người bệnh.

Tin cùng chuyên mục