Chiều 23-5, thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, Nghị quyết số 88/2014/QH13 quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK nhưng Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 thể hiện quan điểm khác khi không trao quyền lựa chọn SGK cho cơ sở giáo dục mà cho UBND cấp tỉnh.
ĐB băn khoăn: giữa Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Luật Giáo dục thì quy định nào dễ bị lợi dụng để phục vụ lợi ích nhóm hơn?
Trong buổi thảo luận sáng 1-6, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy tiếp tục nêu nhiều vấn đề “đáng ngờ” trong lĩnh vực SGK, nhất là tình trạng thiếu minh bạch, khách quan trong việc chọn SGK. Điều đó bắt nguồn từ Thông tư số 25 ngày 26-8-2020 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn lựa chọn SGK. Nhiều giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phản ánh trong việc chọn SGK, ý kiến của giáo viên và nhà trường không được tôn trọng, thậm chí nhiều tổ chuyên môn, nhiều trường phải làm lại biên bản chọn sách cho phù hợp với ý kiến cấp trên.
ĐB cũng cho rằng, số lượng 79% SGK mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo cáo với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã được in trước cả khi đấu thầu. ĐB đã mang đến nghị trường tài liệu để chứng minh rằng, Bộ GD-ĐT nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng “chạy chọt, đi đêm” trong việc xã hội hóa SGK thì “sẽ có ngày hối hận không kịp”, giống như vụ Việt Á.
Không những vậy, theo ĐB, việc lựa chọn sách thiếu minh bạch, khách quan, có khả năng tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, dần dần làm sai lệch chủ trương, thậm chí xóa bỏ việc xã hội hóa SGK, trở lại tình trạng độc quyền SGK như cũ.
Những tồn tại trong vấn đề SGK cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật cần được xây dựng trong mối quan hệ tổng thể của vấn đề, để những quy định được ban hành không chỉ đảm bảo tính hợp pháp mà còn được xem xét cả tính hợp lý, tránh những mâu thuẫn, tạo kẽ hở.