Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các học viện, trường đại học trên địa bàn TPHCM.
Tại hội thảo, các tham luận của đại biểu tập trung vào phân tích, đánh giá những ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của Đề cương Văn hóa Việt Nam thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo |
Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, cổ vũ, tập hợp đội ngũ trí thức thi đua tham gia vào sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo; định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập.
Các tham luận của đại biểu tại hội thảo đã làm rõ những vấn đề trong xu thế hội nhập toàn cầu, giao lưu trong lĩnh vực văn hóa và sự bùng nổ thông tin, nhất là mạng xã hội, internet, bên cạnh đem lại thời cơ, vận hội mới đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn, thử thách cho Việt Nam.
Đại biểu tham dự hội thảo |
Việc công bố những kết quả nghiên cứu mới về văn kiện “Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943”, khẳng định giá trị, vai trò và ý nghĩa của văn kiện trong xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu về vận dụng sáng tạo những giá trị văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, trong hơn 70 tham luận gửi đến hội thảo, có nhiều bài viết đề cập đến các giải pháp giáo dục, bồi dưỡng thẩm mỹ và nhận thức đúng đắn về văn hóa cho sinh viên để nâng cao bản lĩnh “hòa nhập nhưng không hòa tan”, chống lại sự xâm lăng văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, văn hóa cho học sinh, sinh viên TPHCM, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.