Từ #EUBeachCleanUp
Trong khuôn khổ chiến dịch #EUBeachCleanUp, trên tất cả các bãi biển của châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới, nhân viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phối hợp cộng đồng địa phương loại bỏ rác thải ra biển. Chiến dịch #EUBeachCleanUp năm nay diễn ra cho tới hết tháng 10. Mỗi năm có 8 triệu tấn rác nhựa bị đổ ra biển. EU đã thông qua một chiến lược về vật liệu nhựa trong một nền kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề ra luật lệ nhằm giảm thiểu sản xuất và tiêu dùng 10 mặt hàng nhựa dùng một lần mà người ta thường thấy trong rác thải bị đổ ra biển.
Ngoài rác thải nhựa dùng một lần, theo công bố của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia của Australia, gần 1/3 thiết bị đánh bắt cá thương mại đã bị “bỏ lại” trong các đại dương. Đây là báo cáo đầu tiên về vấn đề này. Theo CSIRO, những thiết bị đánh bắt cá bị vứt xuống đại dương có thể phải mất hàng trăm năm tan biến và trong thời gian đó, chúng chính là một mối nguy hiểm lớn đối với sự sống của các sinh vật biển.
Đến “Hành động khí hậu vì việc làm”
Bên cạnh môi trường bị ô nhiễm thì biến đổi khí hậu cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đến hành tinh đang hấp hối, như lời cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres. Ngày 18-9, ông Guterres đã công bố một sáng kiến mới mang tên “Hành động khí hậu vì việc làm”, dự kiến được trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ tại New York, Mỹ, ngày 23-9.
Sáng kiến trên đưa ra lộ trình đảm bảo rằng việc làm và phúc lợi cho mọi người dân sẽ là trọng tâm của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không carbon. Tổng thư ký LHQ Guterres cho rằng khoảng 1,2 tỷ việc làm hoặc 40% việc làm trên thế giới phụ thuộc trực tiếp vào một môi trường lành mạnh và ổn định. Trong lời hối thúc các nước tham gia, ông kêu gọi các nước xây dựng kế hoạch quốc gia để chuyển đổi công bằng, tạo công việc cũng như việc làm ổn định, theo đó đưa ra các biện pháp cụ thể, gồm cả việc tăng cường chuyển giao công nghệ và kiến thức cho các nước đang phát triển cũng như đổi mới và đầu tư có trách nhiệm.
Trong lúc này, chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang lên kế hoạch đầu tư 100 tỷ EUR (110 tỷ USD) vào nỗ lực bảo vệ khí hậu vào năm 2030. Theo một dự thảo chính sách dài 140 trang mang tên “Chương trình bảo vệ khí hậu 2030”, Đức muốn triển khai một loạt biện pháp hiệu quả và tham vọng nhằm giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, cũng như hỗ trợ “bảo vệ nền tảng của cuộc sống trên Trái đất”. Các biện pháp này bao gồm xử lý vấn đề phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp cũng như trong nông nghiệp, giao thông vận tải, nhà ở, quản lý rác thải. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng cường trợ cấp cho việc mua xe điện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng sạc điện cho ô tô điện. Chính phủ cũng có kế hoạch giảm thuế để khuyến khích việc thiết kế và xây dựng các tòa nhà theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng, thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu thay thế, phương tiện công cộng và các phương tiện thân thiện với môi trường.