Sáng chủ nhật ở góc phố tưng bừng cảnh khẩu chiến. Hóa ra, trận cãi nhau của mấy anh chị em trong nhà. Chắc là đã có cãi nhau trong nhà rồi mới kéo ra sân chửi nhau, khiến cả phố đều nghe. Nào là anh chị em ruột rồi có thêm em dâu, chị dâu, anh rể… Họ dùng toàn là từ tục tĩu pha vào câu la hét. Chuyện là, cha mẹ đã chia cho các con, ai cũng có nhà riêng, đất riêng. Người con út giữ nhà từ đường có khoảng sân hơi rộng, đang cho thuê giữ xe hơi, rửa xe. Khi xưa không sao, nay đất đai có giá, anh chị xúm lại đề nghị chia cho đều hoặc là bán chia tiền mặt. Thế là cãi thôi, dù nhà ai cũng khá giả. Chuyện còn hứa hẹn ly kỳ vì ai cũng hăm he kiện ra tòa, bất chấp chuyện anh em chung một mẹ sinh ra.
Mấy bà già ở xóm nghe chuyện đều lắc đầu: Anh em như thể tay chân nhưng vì tham lam đồng tiền mà chúng đè nghén chặt tay nhau đó!
Chuyện khác, bà mẹ sau khi chia đều của cho các con trai cũng như gái, mỗi đứa một cái nền nhà, rồi tự đứa nào đứa nấy cất nhà lên mà sống. Bà còn để giữ lại một khuôn viên khá rộng, cùng căn nhà bà đang ở, không rõ khi bà trăm tuổi già mất đi, ai sẽ là người thừa kế. Bẵng đi một thời gian, một đứa con do làm ăn thua lỗ bán nhà, rồi tự tiện về trên khuôn viên đất nhà bà cất cái nhà khác ở. Lúc đầu bà còn chửi, nhưng đứa con ấy làm mặt lì ở luôn. Chẳng biết, có hẹn nhau hay không cả 4 đứa con của bà đều bán nhà của chúng rồi về chiếm dụng đất của nhà bà mà ở. Bây giờ bà chỉ còn trơ trọi cái nhà từ đường, nhưng đâu có yên, ngày nào bà cũng nghe chúng cãi nhau, hăm he bà vừa nằm xuống là kêu bán nhà chia tiền. Đau khổ phận già, khi còn sống mà thấy con cái vì tham lam, đánh nhau giành của.
Cha mẹ sinh con, đều cố gắng làm lụng có của để dành. Một là sống đời dưỡng lão thong dong, hai là có một chút lưng vốn chia đều cho con cái. Thế nhưng, bất hạnh khi có những đứa con không hiểu biết, tham lam, bất hiếu, không nghĩ tình cha con, tình anh em ruột thịt mà nhẫn tâm “đánh nhau” vì chia của.
Nhiều tỷ phú trên thế giới trước khi chia của cho con đều bắt buộc con cái học tập đàng hoàng, tạo dựng thói quen tự lập lao động. Theo họ, trí tuệ và nghề nghiệp chính là tài sản quý giá cần truyền lại cho con. Có tỷ phú làm di chúc khi qua đời toàn bộ di sản sẽ dành cho quỹ từ thiện xã hội. Ông cho rằng: Con tôi nếu thành đạt, sống tốt sẽ không cần đến di sản của tôi. Còn nếu chúng hư hỏng, thì trao di sản cho chúng làm gì.
Quan niệm tiến bộ, đúng đắn ấy, ở nước ta cũng đã có. Nhiều bậc cha mẹ xem chuyện để lại cho con cái nghề, giúp con giữ thanh danh của dòng tộc là tài sản quý giá dành nhất cho con, còn hơn một đống tiền, vàng mà con cái hư hỏng, tham lam, bất hiếu, không biết kính trên nhường dưới...
Bài học muôn đời là để đức cho con, chứ không phải tài sản nhà cao cửa rộng. Đức là một tấm lòng nhân nghĩa, biết yêu thương gia đình và những người xung quanh và một cuộc sống lao động chân chính, biết sống bằng của cải do chính mình làm ra; không tham lam của phi nghĩa. Để cho con chừng ấy thôi, các bậc cha mẹ có thể thong dong cả một cuộc đời hạnh phúc khi về già.