Theo Bộ VH-TT-DL, sau khi rà soát, xem xét thấy rằng ở khu vực Nam bộ chưa có di sản của dân tộc thiểu số nào được ghi danh. Di sản lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thuộc các loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian của đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm.
Nếu được ghi danh, đây sẽ là di sản đầu tiên của Việt Nam có chủ thể là các dân tộc cả đa số và thiểu số, tạo ra sự cân đối về di sản tín ngưỡng được ghi danh ở các vùng miền (tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Nam Định, mà hiện đang thực hành chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam); sự cân đối về các tộc người là chủ thể thực hành di sản (hiện đã có di sản của các dân tộc thiểu số ở phía Bắc và miền Trung được ghi danh như nghệ thuật Xòe Thái, Then Tày, Nùng, Thái; không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên; nghề làm gốm của người Chăm) và cân đối về sự phân bố di sản được UNESCO ghi danh trên mảnh đất Việt Nam…
Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc, An Giang. Lễ hội mang đậm văn hóa của cư dân vùng Tây Nam bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm. Năm 2014, lễ hội đã được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ 22 đến 27-4 (âm lịch) hàng năm.