Trong thị trường Fintech Đông Nam Á, Việt Nam là nền kinh tế số có mức độ tăng trưởng cao nhất với tốc độ 29% hàng năm giai đoạn 2021-2025 và đứng thứ hai ASEAN với số lượng vườn ươm doanh nghiệp, mô hình tăng tốc khởi nghiệp và phòng thử nghiệm sáng tạo trong hệ sinh thái Fintech.
TPHCM có hệ sinh thái Fintech hàng đầu của Việt Nam với trên 50% công ty khởi nghiệp Fintech của quốc gia. Trong nhóm trung tâm tài chính khu vực, IFC.HCM hiện đứng thứ 104/116 với 603 điểm, tăng 2 bậc so với báo cáo trước đó, xếp sau Jakarta (103-607 điểm), Bangkok (102-608), Manila (97-618), Kuala Lumpur (75-640).
Bên cạnh đó, với lực lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin tay nghề cao, giá cả phải chăng và mãi lực là một trung tâm về các ngành dịch vụ cũng như cực tăng trưởng về dịch vụ của Việt Nam (đóng góp khoảng 30% về tỷ trọng và tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước giai đoạn 2011-2020), thành phố có nền tảng vững chắc để trở thành trung tâm dịch vụ tài chính số của quốc gia.
Có thể hình dung hưởng lợi từ định chế trung tâm tài chính với công cụ Fintech mang lại, có thể nhắc đến: trong gia tăng dòng vốn đầu tư như Ấn Độ và UAE với hàng tỷ USD từ vốn trực tiếp cũng như nguồn mạo hiểm; tạo ra các việc làm chất lượng cao tại Singapore chú trọng về số lượng lẫn về chất lượng, mang tính lan tỏa cao...
Kinh nghiệm từ thị trường công nghệ tài chính mới nổi, với môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao, chi phí giao dịch thấp, quyền lực nhà nước can thiệp mạnh mẽ, linh hoạt theo thị trường đã giúp các thành phố này trở thành trung tâm khu vực. Những điểm nhấn về thị trường và dịch vụ tài chính bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, giao dịch môi giới cổ phiếu và trái phiếu, quản lý quỹ, quản lý tài sản, đầu tư mạo hiểm, dịch vụ tài chính off-shore, giao dịch ngoại hối.
Đó là một trong những lý do quan trọng để sớm hình thành, vận hành định chế về trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM với Fintech là một điểm nhấn quan trọng và trọng tâm. Danh mục việc phải làm sẽ được lên kế hoạch chi tiết trong việc hoàn tất và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về các chính sách đặc thù phát triển trung tâm tài chính quốc tế, nhưng chắc chắn cần bắt đầu ở một số điểm mà TPHCM phải nhanh chóng thúc đẩy.
Trước mắt là các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) mà Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định Chính phủ trình để triển khai xung quanh chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao dịch lập trình ứng dụng mở (Open API); cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đây là những nội dung cũng xuất phát từ thực tiễn của các thành phố lớn.
Riêng với các chương trình của TPHCM, nên tận dụng hiệu quả thế mạnh đang có như nguồn lao động trẻ, cộng đồng khởi nghiệp năng động, thị trường nội địa dồi dào để có thể thúc đẩy các thí điểm. Trong đó cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện thêm nhiều sandbox đối với hoạt động ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, kèm với phân cấp quyền quản lý, kiểm soát rủi ro.
“Thương hiệu” về trung tâm kinh tế, trung tâm tài chính không thể nào có được trong một sớm, một chiều. Vì thế cần luôn được vun đắp và phát triển gắn với các xu hướng tăng tốc của thời đại. Trong đó gắn kết công nghệ với dịch vụ tài chính - ngân hàng để tạo ra các sản phẩm dịch vụ không chỉ cho kinh tế, mà cả các vấn đề xã hội đang là việc cần thúc đẩy một cách ưu tiên và quyết liệt trong thời gian sắp tới.