1. Ở tầng 8 chung cư nơi tôi sinh sống chủ yếu là gia đình trẻ với đám nhóc học mầm non, tiểu học là chính. Căn hộ nhà chị Thanh nằm gần cuối dãy, vì toàn người lớn, đứa trẻ nhỏ nhất trong nhà là Tú cũng đã 16 tuổi nên gia đình chị ít giao lưu với các gia đình khác. Thế nhưng, gia đình chị… đặc biệt vào mỗi sáng nên nhiều người biết đến.
Lẽ bình thường, đám trẻ mầm non hay bị cha mẹ giục lấy cái này, cầm cái kia trước khi đi học. Nhưng “đều như vắt chanh”, lời nhắc nhở ấy là của chị Thanh dành cho Tú. Ngày nào Tú cũng ra khỏi nhà với hình ảnh mẹ đứng sẵn ngoài cửa, tay cầm túi xách của mẹ, áo khoác của con. Giày của Tú cũng đã được lấy từ trong tủ, xếp ngay ngắn để cậu chàng chỉ việc xỏ chân vào và phóng xuống nhà xe cho mẹ chở đi học.
Cách đây không lâu, không rõ bà nội hay bà ngoại Tú vào chơi. Đi ngang qua nhà, thấy tiếng bà nhắc nhở chị Thanh nuông chiều con, việc gì cũng làm thay, đến khi nào tụi nhỏ mới tự làm, mới chịu lớn. Chỉ thấy chị đáp lại rằng thằng bé học hành cả ngày đã rất vất vả, rồi làm gì cũng chậm chạp, thôi thì mình làm cố một tí cho xong.
Tôi thấy suy nghĩ rất quen ở chị Thanh và cũng ở hầu hết các phụ huynh hiện nay. Rằng thương con cái học hành vất vả, rằng nhìn tụi nhỏ làm thấy “ngứa con mắt” nên làm luôn cho rồi. Vì vậy mà nhiều đứa trẻ đã bước vào ngưỡng đại học vẫn không biết cầm cái chổi quét nhà như thế nào, nhặt cọng rau sao cho đúng cách.
2. Cũng có những chuyện chẳng phải vì “ngứa con mắt” mà làm luôn, nhiều phụ huynh thực sự không dám cho con trải nghiệm. Vài tháng trước, Thụy Anh - nhỏ bạn thân của cháu gái tôi, tâm sự rằng cháu đang bị tổn thương tâm lý. Nguyên nhân, trước đó lớp cháu tôi tổ chức đi dã ngoại trong ngày để lưu lại những kỷ niệm đẹp trước khi chia tay cấp 2. Cô giáo chủ nhiệm mời một số phụ huynh tham gia để hỗ trợ khâu hậu cần cho các con. Mẹ của Thụy Anh xung phong đi cùng lớp.
Chuyện chẳng có gì nếu mẹ cô bé không chăm chăm trông ngó con mình. “Mẹ con cứ xà nẹo bên con, vài phút lại xịt thuốc chống muỗi một lần vì sợ con bị muỗi chích. Mẹ cầm chai nước, lâu lâu lại bắt con uống, còn lấy khăn lau mồ hôi này nọ cho con. Con đâu phải em bé, con khát thì tự uống được. Muỗi chích cũng đâu có sao, vài bữa là hết. Mẹ làm vậy khiến các bạn chọc con hoài, bữa trước còn có bạn nói con tiểu thư nhõng nhẽo, vô dụng”, Thụy Anh ấm ức tâm sự. Hành động của mẹ đã khiến Thụy Anh bị tổn thương. Vậy nhưng khi nghe con tâm sự, mẹ cô bé đã nổi giận, cho rằng Thụy Anh học đòi bạn bè, muốn “bật lại” phụ huynh. Cũng từ câu chuyện đó, hai mẹ con ít chia sẻ với nhau hơn, nhưng dường như mẹ cô bé càng kiểm soát con gắt hơn.
3. Tôi đã chứng kiến một số cuộc liên hoan của các cô cậu học trò trước khi chia tay cấp 3, cả ở vùng nông thôn và thành thị. Phổ biến nhất là các cháu kéo nhau ra quán cho tiện, còn không thì thuê đơn vị bên ngoài vào phục vụ. Cuộc nào tổ chức kiểu “cây nhà lá vườn” thì chắc chắn sẽ có một số phụ huynh tham gia… làm chính, vì “từ nhỏ tới lớn tụi nhỏ không biết cầm con dao thế nào”.
Trong mắt các bậc làm cha làm mẹ, ai cũng thấy con mình còn bé bỏng, cần phải chở che, cần thêm thời gian để học hỏi nhưng lại không cho con điều kiện được lớn.
Chẳng hạn, từ nhỏ, con có thể tự lập trong việc ăn uống, tắm rửa hoặc phụ những việc nhỏ nhỏ trong nhà như quét nhà, rửa chén. Khi con đến tuổi trưởng thành thì có thể tham gia nhiều phần việc trong nhà hơn và tự quyết định một số việc cá nhân. Song, nhiều phụ huynh không dám “nhường sân” để con học cách tự lập. Lúc nhỏ, con tự xúc ăn hay tự tắm thì cha mẹ sợ con làm vương vãi, ăn không no bụng, tắm không sạch xà bông. Hầu hết phụ huynh đều chung suy nghĩ là các con học hành vất vả nên… làm giùm. Họ cũng không dám la phạt con mà thường biện minh rằng con trẻ còn nhỏ, biết chuyện gì đúng, sai mà la mắng. Bởi vậy mà đâu hiếm hình ảnh trẻ học lớp 1, lớp 2 vẫn phải mẹ đút cơm cho ăn. Thậm chí có nhiều trường hợp con đã vào đại học mà cha mẹ vẫn thay nhau đưa rước mỗi ngày.
Tuổi nào trẻ cũng cần cha mẹ trao cho mình cơ hội, điều kiện, môi trường và cổ vũ con tự lập tùy theo độ tuổi của các con. Có thể một vài lần đầu các con sẽ vụng về, sẽ có những sai sót nhưng không đi thì không thể tới được, và điều cần thiết là phụ huynh hãy mạnh dạn đồng hành cùng con thay vì sống hộ cuộc đời của tụi trẻ.