Có thể kể đến tỉnh Hải Dương với các dự án sản xuất đồ chơi, văn phòng phẩm, điện gia dụng… của nhà đầu tư Korninghill Group Ltd (Hồng Công), với vốn đầu tư 3 triệu USD; dự án sản xuất bộ đàm và các sản phẩm từ plastic, với vốn đầu tư khoảng 4 triệu USD của nhà đầu tư Jia Ri Xing Ltd. Tại địa phương này hồi đầu tháng 1, nhân sự kiện công bố Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đã trao hàng loạt giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư cho các dự án quy mô lớn, với tổng quy mô lên tới 1,5 tỷ USD.
Cũng trong vùng đồng bằng sông Hồng, dự án nhà máy Good Way Việt Nam (Đài Loan) cũng đã được khởi công tại khu công nghiệp Liên Hà Thái của tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD. Đang từ chỗ khá… lẹt đẹt trong năm 2022, thì năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, Thái Bình có thể coi là “ngôi sao đang lên” khi năm 2023 tỉnh này thu hút được gần 2,8 tỷ USD, vượt lên đứng vị trí thứ 5 trong các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước.
Với sự thận trọng trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu được dự báo tiếp tục chậm lại, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) nhìn nhận, vốn đầu tư đăng ký năm 2024 ước vào khoảng 36-37 tỷ USD, tương đương năm 2023, còn vốn đầu tư thực hiện có thể đạt khoảng 23,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2023, thiết lập kỷ lục mới. Mặc dù sẽ không có đột biến, nhưng đây là những dự báo khá tươi sáng.
Tuy nhiên, để đầu tư nước ngoài phát huy tối đa, vẫn cần nhắc lại rằng còn nhiều nhược điểm cố hữu của khu vực kinh tế này đến nay vẫn chưa khắc phục được. Đơn cử, một lĩnh vực rất hứa hẹn là công nghiệp bán dẫn. Để thu hút đầu tư, Việt Nam phải giải quyết hàng loạt vấn đề về nhân lực, hệ sinh thái cung ứng… Một trở ngại khác là khả năng cung cấp nguồn điện ổn định. Những tháng cao điểm năm ngoái, nhiều nhà đầu tư, nhất là ở các địa phương miền Bắc, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề này. Năm nay, tình trạng thiếu điện vẫn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, dù đã có một số chính sách đã và đang được xây dựng để thích ứng với tác động của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), nhưng khuôn khổ pháp lý vẫn chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao độ mở của môi trường kinh doanh, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài có được sự hỗ trợ đắc lực của cơ quan quản lý trong suốt quá trình xin cấp phép đầu tư và vận hành dự án, thay vì cứng nhắc, thờ ơ, thậm chí là gây khó dễ.