Ở Thái Lan, Bộ trưởng Giáo dục nước này - ông Nataphol Teepsuwan vừa yêu cầu đổi mới và cải tiến chương trình giáo dục cơ bản được soạn thảo từ năm 2008, với trọng tâm là phát triển một hệ sinh thái, trong đó tập trung hơn vào việc phát triển các kỹ năng phân tích và mục tiêu nghề nghiệp cho học sinh. Trọng tâm của chương trình giảng dạy sẽ được nâng cao, tập trung vào việc phát triển các kỹ năng tư duy phân tích cho học sinh, đưa ra nhiều lựa chọn khóa học khác nhau, tương ứng với nguyện vọng nghề nghiệp của học sinh.
Trong phát biểu khi công bố các kế hoạch cải thiện tiêu chuẩn của hệ thống giáo dục Thái Lan, ông Nataphol từng nhận định, nền giáo dục Thái Lan phải thay đổi, trong đó học sinh cần rời khỏi “tư duy cố định” trong quá khứ và bắt đầu tích hợp “tư duy phát triển” vào cuộc sống hàng ngày. Dự kiến, việc đổi mới chương trình giảng dạy chính đang áp dụng sẽ hoàn thành vào năm 2022. Sau khi hoàn tất, kiến thức về các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau sẽ được giảng dạy trong các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học, giúp học sinh hội nhập với thời đại.
Đối với những phàn nàn về sự chênh lệch phát triển và bất bình đẳng thu nhập giữa Bangkok với các tỉnh, giữa người khá giả và người nghèo, dẫn đến việc các trường học và đại học danh tiếng nhất của Thái Lan đều tập trung ở thủ đô, thì cải cách giáo dục lần này cũng đang hướng tới việc hỗ trợ những học sinh có học lực yếu vì một số học sinh có thể cần được đào tạo đặc biệt. Theo ông Nataphol, bằng cách xây dựng các kỹ năng phân tích và đưa ra nhiều lựa chọn lớp học hơn, học sinh có thể khám phá khả năng và nghề nghiệp mơ ước của mình. Bộ trưởng Nataphol nhấn mạnh, phiên bản cải tiến của chương trình giảng dạy hiện nay sẽ phù hợp với những phát triển toàn cầu và các công nghệ mới, giúp xóa bỏ bất bình đẳng trong giáo dục bằng cách hợp tác với khu vực tư nhân để xây dựng các trường học. Kế hoạch này được xây dựng để “giải phóng, thay đổi và mở rộng” nền giáo dục nhằm đảm bảo củng cố nguồn nhân lực trong tương lai của Thái Lan.
Trong lúc Thái Lan nỗ lực cải cách giáo dục để giải phóng tư duy cho học sinh, sinh viên Thái Lan, thì Indonesia đang đối mặt với những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo The Asian Post ngày 18-10, nền kinh tế lớn nhất ASEAN này có thể sắp hết thời gian để kịp trang bị cho người dân những kỹ năng và kiến thức cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tính hết quý đầu tiên của năm 2020, ước tính có khoảng 16,3% thanh niên ở Indonesia đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp - cao nhất ở Đông Nam Á. Tiếp theo là Malaysia với 11%. Khi không có nhiều cơ hội trên sân nhà, nhiều người Indonesia đang phải tìm đường đi làm ăn xa. Tuy nhiên, chương trình đào tạo của Indonesia trong một thời gian dài đã không lường được việc phải trang bị kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ để họ trở thành công dân toàn cầu.