Hàng năm, cùng với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường tham gia vào thị trường lao động thì cũng có rất nhiều người không tìm được việc làm phù hợp, hoặc phải chấp nhận làm việc trái ngành nghề, thậm chí bỏ qua bằng cử nhân để làm lao động phổ thông. Vấn đề đặt ra: Việc đào tạo nên thực hiện theo nhu cầu của xã hội hay của nhà trường và ý muốn của người học? Đào tạo như thế nào để có nguồn nhân lực chất lượng cao?
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc nghiên cứu - phát triển của Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, cho rằng: Cần phải thay đổi tư duy và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học, trường nghề. Thị trường lao động đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi về trình độ tay nghề và kỹ năng của người lao động cũng cao hơn. Bên cạnh đó, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng thì những tiêu chuẩn về lao động cũng phải cao hơn. Trước mắt là phải đạt chuẩn nghề nghiệp mang tầm quốc tế để có thể dễ dàng dịch chuyển và đủ sức cạnh tranh với lao động các nước.
* PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay?
- Ông NGUYỄN HOÀNG DŨNG: Xét về mặt tổng thể, đối với trong nước, nguồn nhân lực đã có sự tiến bộ rất rõ rệt so với thời kỳ trước đây, khi chúng ta đổi mới. Tuy nhiên, nếu xét trên bản đồ nhân lực thế giới thì chúng ta đang bị đánh giá là một trong những quốc gia có chất lượng lao động thấp. Điều này là một sự cảnh báo, nhất là khi đất nước đang tiến hành hội nhập.
* Theo ông, công tác đào tạo cần thực hiện như thế nào để có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện nay?
- Vấn đề này cũng được nhiều chuyên gia nghiên cứu, nhất là những người công tác trong ngành giáo dục, tuy nhiên theo tôi vẫn chưa đi vào chiều sâu để đảm bảo có một nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm được điều này, cần có sự đồng bộ từ phía Chính phủ, các cơ sở đào tạo, cho đến người học. Trong một bối cảnh mới, Chính phủ nên cập nhật lại Luật Giáo dục để phù hợp với những cam kết quốc tế trong hiện tại cũng như trong tương lai. Làm sao để có một nguồn nhân lực chất lượng cao có thể thích nghi với những quốc gia mà Việt Nam có sự bang giao mạnh mẽ, để cho nhân lực trở thành một loại hàng hóa đặc biệt có thể xuất khẩu đi các thị trường lao động quốc tế và cạnh tranh được với nhân lực nước ngoài vào Việt Nam. Các cơ sở đào tạo cần có sự tái cấu trúc toàn bộ về hệ thống đào tạo, với 3 mắt xích chủ yếu: Người thầy; hệ thống giáo trình cập nhật mới có sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu, phòng vệ thương mại; người học phải gắn với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
* Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có 1 học kỳ tại doanh nghiệp để sinh viên tiếp cận kỹ năng thực hành thực tế, từ đó mới có thể đáp ứng được yêu cầu khi tham gia vào thị trường lao động.
- Đó cũng là một tư duy mới mà chúng ta cần phải triển khai. Có thể làm theo 2 hướng. Một là, mỗi môn học nên có phần kiến tập, thực tập. Ngoài lý thuyết hướng dẫn trên lớp thì có phần cập nhật đi xuống cơ sở. Ví dụ đi đến nhà máy để biết quy trình công nghệ, hay đến văn phòng để biết được quy trình thủ tục, hồ sơ giấy tờ. Hướng thứ hai là học kỳ tại doanh nghiệp, phải đáp ứng các yếu tố: Là quy trình đa số của các doanh nghiệp, có giáo viên hướng dẫn, có đồng nghiệp tại cơ sở chia sẻ, trao đổi, để sinh viên thật sự hòa nhập.
* Ông suy nghĩ như thế nào về câu chuyện nhiều cử nhân, thạc sĩ đã được đào tạo nhưng lại thất nghiệp?
- Đây là vấn đề khá đau lòng, cần phải mổ xẻ, phân tích để tìm ra giải pháp. Khi chúng ta hội nhập, lao động nước ngoài với trình độ tay nghề cao sẽ vào Việt Nam, điều này sẽ khiến tỷ lệ lao động trong nước thất nghiệp nhiều hơn.