Cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ
Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020 diễn ra giữa tháng 12-2020, một lần nữa, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào”. Đây cũng chính là tư tưởng chủ đạo, quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với công tác PCTN. Có thể khẳng định, chính công tác PCTN đã “sàng lọc” và “đào thải” những cán bộ, đảng viên không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước; góp phần hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm niệm vụ trong giai đoạn mới.
Nhiệm kỳ qua, nhiều vụ việc tiêu cực, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp kéo dài, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội liên quan đến cán bộ lãnh đạo các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao đã được chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử công khai; thu hồi nhiều tiền, tài sản về cho ngân sách và công khai kết quả trước công luận đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ để phòng ngừa sai phạm. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Kết quả này đã khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Kết quả đó cũng đã góp phần quan trọng cho sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua và công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng.
Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành nhiều thời gian, công sức và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác cán bộ. Chỉ tính trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 4 nghị quyết, 1 quy định; Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 130 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong các quy định, quy chế về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, có nhiều nội dung mới, lần đầu tiên được ban hành và thực hiện, đã tạo ra những chuyển biến tích cực, khá toàn diện, đồng bộ và có tính đột phá trong công tác cán bộ. Đặc biệt, việc ban hành quy định số 205-QĐ/TW (ngày 23-9-2019) của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đã có tác động lớn, sức lan tỏa nhanh, mạnh trong Đảng và trong xã hội, góp phần từng bước kiềm chế tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền” và những biểu hiện bao che, tiếp tay cho “chạy chức”, “chạy quyền”.
Quy định số 214-QĐ/TW (ngày 2-1-2020) của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh và khung tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã làm cơ sở quan trọng cho việc đánh giá cán bộ được khách quan, toàn diện và chính xác hơn. Việc Trung ương ban hành các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đó quy định số 08-QĐ/TW (ngày 25-10-2018) đã quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ cao cấp, với tinh thần cấp càng cao càng phải gương mẫu.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tổ chức Trung ương, một trong những đổi mới quan trọng, có tính đột phá trong nhiệm kỳ này về công tác cán bộ là đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ. Theo đó, việc đánh giá đối với cán bộ phải tiến hành thường xuyên, liên tục, xuyên suốt cả quá trình công tác; đánh giá cán bộ phải đánh giá toàn diện về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực, kết quả công tác và sức khỏe. Đánh giá cán bộ phải bằng sản phẩm cụ thể, mà sản phẩm đó có thể cân, đong, đo, đếm được; đánh giá có sự so sánh với các chức danh khác tương đương; đánh giá phải công khai theo quy định và thông qua khảo sát khi cần thiết; đánh giá cá nhân người đứng đầu phải gắn với đánh giá của tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết, công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII có nhiều điểm mới. Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Ban Chấp Trung ương bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khoảng 220 đồng chí, giảm gần 300 đồng chí so với số quy hoạch khóa XII. Việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 cũng được tiến hành từng bước thận trọng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ và trước hết là tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội XIII, không thể vừa quy hoạch nhân sự khóa XIII, vừa quy hoạch nhân sự cho “các nhiệm kỳ tiếp theo”. Trong đó tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trước, quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau và cuối cùng là quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được đặc biệt chú trọng về chất lượng trên cơ sở đảm bảo số lượng và cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.