Sáng 1-11, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Luật PCCC-CNCH); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) chỉ rõ thực tế, các năm qua, số vụ cháy không ngừng gia tăng, đặc biệt là đám cháy nguy hiểm xảy ra ở khu dân cư đông người do dễ dàng lan rộng. Hậu quả cháy gây nổ, thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân và kéo theo nhiều hệ lụy.
Để dập tắt đám cháy, ĐB cho rằng cần huy động rất nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, trước mắt là nguồn chi từ ngân sách nhà nước. Tiếp đó là tổ chức cấp cứu người bị nạn, huy động giúp đỡ người thiệt hại ổn định đời sống, kịp thời phục vụ sản xuất và nhiều vấn đề khác nhằm khắc phục hậu quả cháy...
Ý kiến về nội dung này, ĐB Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, cần bổ sung nguyên tắc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để các cơ quan, tổ chức chú trọng hơn đến đầu tư công nghệ mới trong PCCC-CNCH. Cùng với đó, đầu tư hệ thống dữ liệu và hệ thống báo cháy hiện đại.
Lo ngại những vụ cháy ở các tòa nhà cao tầng, khu sản xuất do chập điện, ĐB đề nghị có quy định về tiêu chuẩn hệ thống điện ở các nơi này. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm quy định là các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải công khai kết quả kiểm tra PCCC hàng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở.
Về trách nhiệm trong việc PCCC, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị, bổ sung quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức và hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong phòng cháy, để xảy ra cháy nổ. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình chịu một phần kinh phí chữa cháy. ĐB cũng đề nghị, Chính phủ sẽ quy định mức phí trong từng trường hợp cụ thể.
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC-CNCH.
Trong đó, quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông. Chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở.