Hiện giá sầu riêng cao, nông dân tự ý chuyển đổi các loại cây trồng sang sầu riêng khiến diện tích tăng mạnh, nguy cơ cung vượt cầu, đe dọa sự phát triển bền vững cây sầu riêng.
Từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa lại sau dịch Covid-19, giá sầu riêng tăng cao, nhiều nông dân ồ ạt phá bỏ hồ tiêu, cà phê, điều chuyển sang trồng sầu riêng. Năm 2022, diện tích sầu riêng ở tỉnh Bình Phước là 4.802ha (tăng 1.364ha so với năm 2021), nay đã tăng lên 5.300ha. Ông Nguyễn Tuấn Thinh (ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) cho biết, gia đình đã chặt bỏ 1,5ha hồ tiêu để trồng hơn 200 gốc sầu riêng, nếu đem so sánh, sầu riêng cho thu nhập cao gấp nhiều lần cây tiêu.
3 năm về trước, tỉnh Đồng Nai có hơn 9.100ha sầu riêng được trồng tập trung ở TP Long Khánh, các huyện Cẩm Mỹ, Định Quán, Thống Nhất và do giá liên tục tăng, người dân đổ xô trồng, hiện diện tích sầu riêng đã tăng lên gần 11.400ha.
Người dân TP Long Khánh bán sầu riêng cho khách thăm quan miệt vườn vào dịp Lễ hội trái cây Long Khánh năm 2023 |
Ông Phạm Văn Tuấn (ấp 8, xã Phú Tân, huyện Định Quán), ban đầu trồng sầu riêng chính vụ nhưng từ năm 2008 đến nay, ông chuyển hẳn sang trồng trái vụ cho kết quả ngoài mong đợi. Với 6ha sầu riêng, trung bình mỗi cây cho 200-300kg trái/vụ, giá thương lái thu mua tại vườn dao động từ 50.000đ-53.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận đạt gần 4 tỷ đồng. Hiện một số hộ dân ở các xã Phú Tân, Thanh Sơn, Phú Lợi cũng mở rộng diện tích sầu riêng trái vụ nên diện tích sầu riêng của huyện Định Quán tăng vọt từ 53ha (2018) lên 1.830ha.
Số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN- PTNT), từ năm 2017 trở lại đây, diện tích sầu riêng tăng mạnh do bà con ở Tây Nguyên trồng sầu riêng xen cà phê, còn người dân ở ĐBSCL trồng xen cây ăn trái, chuyển đổi đất lúa sang trồng sầu riêng. Nếu như năm 2017, cả nước có 37.000ha sầu riêng, đến năm 2022 tăng lên 110.300ha, tốc độ tăng trưởng bình quân 24,5%/năm, diện tích tăng mạnh nhất ở Tây Nguyên, ĐBSCL và Đông Nam bộ. Điều đáng lo là cây sầu riêng đang được trồng ồ ạt ở các vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, thiếu nước tưới, ảnh hưởng năng suất, chất lượng.
Việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc đang mở ra cơ hội cơ hội xuất khẩu và nâng cao giá trị của cây sầu riêng. Tuy nhiên, Nghị định thư yêu cầu bên sản xuất về kỹ thuật trồng, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt, trong khi, nhiều nông hộ, HTX thường “mạnh ai nấy làm”, sản phẩm không đồng nhất, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chưa bắt kịp yêu cầu chất lượng, đảm bảo điều kiện của vùng trồng.
Đóng gói sầu riêng ở Công ty TNHH Minh Hằng, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước |
Theo ông Trần Văn Hiệp, Giám đốc Công ty CP Rau quả Tiền Giang, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sầu riêng phải nâng cao kiến thức cho cả chuỗi ngành hàng từ khâu trồng, thu hoạch đóng gói để đảm bảo chất lượng sầu riêng, nhất là phải thu hoạch đủ tuổi. Doanh nghiệp chế biến mong được cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm và thông tin đó phải được công khai, minh bạch với những người có liên quan.
GS-TS Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, một chuyên gia về cây sầu riêng, nhận định, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới của Thái Lan, đã bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu và đang đầu tư vùng trồng sầu riêng ở đảo Hải Nam (TP Tam Á), tháng 6 vừa qua thu hoạch chỉ 50 tấn nên vẫn “rộng cửa” cho sầu riêng Việt Nam. Để cạnh tranh, người trồng sầu riêng cần xử lý ra hoa trong khoảng tháng 11 đến tháng 3 hàng năm để có sản phẩm bán ra thị trường, tạo thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam.
Tỉnh Đồng Nai hiện có 6 cơ sở đóng gói, 11 vùng trồng sầu riêng hơn 820ha và tỉnh cũng tổ chức xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư ký kết với Trung Quốc. Dự kiến năm 2023 sẽ xuất khẩu khoảng 20.000 tấn sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tỉnh đang thực hiện ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến nâng cao giá trị sầu riêng, thúc đẩy tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, chuyển đổi số truy xuất nguồn gốc và khắc phục hạn chế về yêu cầu kỹ thuật để đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng.