Đề cao giáo dục lòng nhân ái, hướng thiện ở học trò

Do mâu thuẫn với một bạn cùng trường, một học sinh lớp 11 tại TP Tân An (tỉnh Long An) vừa bị một nhóm người đánh hội đồng đến tử vong. Vụ án nghiêm trọng xảy ra trong bối cảnh đã có nhiều chuyện buồn về những vụ bạo hành ở lứa tuổi học trò. Thực tế cho thấy, việc nâng cao sức đề kháng cho thanh thiếu niên để đẩy lùi cái xấu, cái ác đang là một vấn đề xã hội cấp bách.

Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, những năm gần đây, bình quân cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau; bình quân trong một năm học cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Vì sao nạn bạo hành ở lứa tuổi học trò vẫn diễn ra? 

Phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội. Điều dễ thấy là trong xã hội hiện nay, mọi người dễ tiếp cận với cái ác và cách hành xử bạo lực, từ đó một số thanh thiếu niên bị lệch chuẩn về hành vi, thiếu sự hun đúc lòng từ ái nên dễ có hành vi bạo lực. Do vậy, một yêu cầu rất quan trọng là gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm hơn việc giáo dục thanh thiếu niên về lòng nhân ái, ý thức hướng thiện, tạo dựng quan hệ tình người trong cuộc sống; trang bị kỹ năng sống để giới trẻ biết giao tiếp văn minh, hòa nhã, có ý thức tuân thủ pháp luật, biết cách ứng phó an toàn và hiệu quả để ngăn chặn, thoát ra nạn bạo hành.

Hiện nay, việc đánh giá rèn luyện đạo đức thông qua hạnh kiểm của học sinh theo từng học kỳ hiệu quả không cao. Vì vậy, nên thay đổi phương pháp giáo dục để xử lý được các vấn đề thực tiễn xảy ra, đẩy mạnh chương trình giáo dục trải nghiệm và giáo dục kỹ năng sống trong trường học. Nâng cao kỹ năng xử lý tình huống của thầy cô giáo. Giám thị nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý nên là chỗ dựa tin cậy cho học sinh. Những buổi sinh hoạt chủ nhiệm cần thực chất hơn, nên để học sinh nói nhiều hơn để có thêm các kênh thông tin và đặc biệt là không chỉ nghe mà còn giải quyết.

Ngăn ngừa tình trạng thiếu niên phạm pháp là một khâu quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm. Về xã hội học, cần đặc biệt quan tâm nghiên cứu tìm “thuốc đặc trị” cho tình trạng thiếu niên trầm cảm, có tâm trạng cô độc, bất mãn cuộc sống. Đối với những trường hợp học sinh bạo hành có tính chất côn đồ, vi phạm pháp luật cũng phải xử lý đủ sức răn đe. Cái xấu, cái ác phải được ngăn chặn, sửa sai ngay từ khi còn là mầm mống, không để tạo thành thói quen phạm pháp, xem thường pháp luật.

Tin cùng chuyên mục