Mai một gia đình truyền thống
Trong một nghiên cứu về gia đình Việt Nam hiện nay, nhóm nghiên cứu gồm các nhà quản lý đưa ra thực tế về gia đình tại các đô thị lớn như TPHCM cho thấy, sự tác động của xã hội công nghiệp khiến mối liên kết, gắn bó, yêu thương giữa các thành viên gia đình có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo. Một số giá trị truyền thống đạo đức như: hiếu nghĩa, thủy chung, yêu thương, chia sẻ… có nguy cơ mai một, làm cho nhiều gia đình đứng trước rủi ro, bất ổn, thậm chí tan vỡ hạnh phúc.
Mặt khác, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, kỹ thuật, ngày càng làm cho gia đình tiện nghi hơn, đầy đủ hơn, dẫn đến tình trạng các thành viên trong gia đình ít dành thời gian quan tâm, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau, thậm chí có tình trạng mất bình đẳng trong ứng xử giữa con cái với cha - mẹ, cháu với ông - bà và ngược lại, vợ - chồng, anh - chị - em với nhau. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, mở rộng quan hệ giao lưu kết bạn với nhiều người trên mạng xã hội…, cũng là nguyên nhân gây ra nhiều rủi ro, thách thức trong việc duy trì xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây được coi là một thách thức lớn để duy trì, phát triển các giá trị của gia đình truyền thống.
Theo TS Nguyễn Thị Toàn Thắng, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM, mặc dù xã hội và thời đại có những biến đổi lớn, các gia đình phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng mọi cá nhân, mọi gia đình đều hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc để tạo tiền đề cho hạnh phúc của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, Bộ tiêu chí “Xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TPHCM” là hết sức cần thiết. Trong đó, cần xây dựng các thang đo giá trị trong quá trình xây dựng gia đình hạnh phúc theo các tiêu chí về kinh tế, giáo dục, đời sống tinh thần, chăm sóc sức khỏe và văn hóa ứng xử.
Cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện
Để Bộ tiêu chí “Xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TPHCM” gần hơn với đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi gia đình, ý kiến các chuyên gia đề nghị các tiêu chí phải cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện. Trong mối quan hệ gia đình nên đưa thêm yếu tố thấu cảm, chia sẻ, gần gũi.
PGS-TS Đỗ Ngọc Anh, Trường Đại học Văn hóa TPHCM đề nghị, cần xây dựng và ban hành bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo các giá trị tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Từ đó đưa ra các tiêu chí cụ thể trong quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ với con, cháu với ông bà, anh chị em với nhau… Việc này sẽ giúp dễ nhớ, tác động trực tiếp đến tình cảm và phù hợp với văn hóa trọng tình của người Việt Nam.
TS Nguyễn Thị Oanh, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, đặt tiêu chí gương mẫu làm tiền đề của bộ tiêu chí, bởi bất kỳ ai trong chúng ta đều mong muốn có được một gia đình hạnh phúc, dù mỗi người có sự nhận thức khác nhau giữa các tiêu chí về gia đình hạnh phúc. Có người cho rằng, gia đình hạnh phúc khi có đủ điều kiện vật chất, người khác lại mong muốn các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, đoàn kết, yêu thương nhau là đủ… Dù khác nhau trong các quan điểm về các tiêu chí nhưng sự cần thiết phải đề cao cho được vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức của các thành viên cũng như tạo môi trường an toàn, lành mạnh để mọi người trong gia đình được hạnh phúc, đặc biệt là trẻ em.
Để dung hòa, phát huy các giá trị văn hóa gia đình truyền thống và hiện đại, theo ThS Vũ Thị Huỳnh Mai, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM, cần có những tiêu chí về mối quan hệ gia đình với xã hội dựa trên điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội. Văn hóa gia đình tồn tại bền vững, trở thành khuôn mẫu trong việc ứng xử và truyền nối bản sắc gia đình Việt Nam. Bản sắc đó thể hiện trong tình cảm gia đình thiêng liêng, hy sinh, tận tụy, ứng xử với gia đình trong dòng họ, dòng tộc, trong cộng đồng làng nước, trong đời sống tâm linh. Nó ăn sâu vào tiềm thức tâm lý, tình cảm, ý chí, chi phối mọi hành vi và cách ứng xử của mỗi con người từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác…
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Võ Trọng Nam, dự thảo Bộ tiêu chí “Xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TPHCM” có 33 tiêu chí theo 5 nội dung, gồm: Tiêu chí về ứng xử trong gia đình, tiêu chí về điều kiện vật chất, tiêu chí về điều kiện tinh thần, tiêu chí về giáo dục và tiêu chí về y tế, chăm sóc sức khỏe. Từ các ý kiến đóng góp, ban soạn thảo sẽ bổ sung, hoàn chỉnh để sớm ban hành thời gian tới. |