“Cánh đồng lớn” là xu thế tất yếu
Ông Nguyễn Thanh Hà, nguyên Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Thành (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), cho biết: HTX có 500ha đất, với 134 xã viên, nhưng gần đây số lượng tham gia “Cánh đồng lớn” giảm, diện tích bao tiêu cũng giảm. Có người nói do thiếu niềm tin giữa nông dân và doanh nghiệp.
Cái này đúng, nhưng chưa đủ. Thực tế còn một bộ phận nông dân có tư tưởng khá lạc hậu, nên phải vận động, thuyết phục, rồi làm trước cho họ thấy hiệu quả, họ mới tham gia…
Ông Thanh Hà khẳng định, khi tham gia HTX, bà con được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, được sử dụng máy cấy, máy gặt liên hợp, máy bón phân tự động, giảm chi phí lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận tăng trên cùng diện tích…, song tới lúc tiêu thụ vẫn còn lúng túng.
Doanh nghiệp kêu chờ từ từ thu mua, trong khi nông dân thiếu nợ ngân hàng, nợ vật tư nên cần tiền mặt. Do vậy, bà con dễ “bẻ kèo”, xù hợp đồng bao tiêu để bán cho thương lái khi họ cứ lượn lờ, gạ gẫm kê giá cao hơn chút đỉnh. Tình trạng này cũng tương tự ở nhiều nơi khác.
Ông Hồ Văn Phú, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho biết: Địa phương mời doanh nghiệp đầu tư trực tiếp làm “Cánh đồng lớn” gắn với bao tiêu. Năm ngoái, Tập đoàn Lộc Trời đầu tư vật tư, địa phương hỗ trợ 50% giống cho nông dân. Thật tiếc, đến kỳ thu hoạch, một số nông dân “bẻ kèo hợp đồng”, bán lúa cho thương lái. Doanh nghiệp cũng ngại chuyện “vác đơn đi kiện” những nông dân này…
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ: Chúng tôi liên kết với nông dân thì phải chịu trách nhiệm cung ứng đầu tư vật tư, giống… Khi nông dân giao lúa phải thanh toán tiền ngay. Công ty Trung An làm 200.000 tấn gạo/năm (tương đương 400.000 tấn lúa), cần hàng trăm tỷ đồng mua lúa trong 30 ngày, tiền đâu để thanh toán cho nông dân? Đó là một câu hỏi về chính sách tín dụng cho doanh nghiệp làm “Cánh đồng lớn”.
Hầu hết doanh nghiệp tham gia mô hình “Cánh đồng lớn” ở ĐBSCL cũng nêu cái khó nhất với họ là huy động nguồn vốn lớn ngay thời điểm mà bà con thu hoạch rộ nhằm thu mua lúa càng nhanh càng tốt.
Theo đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang (KIGIMEX), trên thực tế các ngân hàng không hiểu, thậm chí là không chịu hiểu cho doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ lúa gạo. Ngân hàng chưa có cơ chế hỗ trợ kịp thời, trong khi thủ tục cho vay rất nhiêu khê nên nhiều lần doanh nghiệp thất hẹn với nông dân. Cũng từ đó mà mô hình “Cánh đồng lớn” gặp trục trặc…
Tháo nút thắt
Mặc dù có chững lại, thậm chí sụt giảm về diện tích, song trên thực tế mô hình “Cánh đồng lớn” vẫn đang được duy trì ở hầu hết các địa phương ĐBSCL. Trong vụ đông xuân 2022, toàn vùng sản xuất trên 160.000ha, tập trung ở Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… giảm 20.000ha so với cùng kỳ.
Việc thực hiện “Cánh đồng lớn” dù vẫn được duy trì, tuy nhiên cần thấy rằng, nơi nào sản xuất có sự liên kết giữa HTX và doanh nghiệp thì khi thu mua mới đảm bảo hiệu quả gia tăng… Rõ ràng, đã đến lúc chúng ta cần cách tiếp cận mới, hiện đại hơn để đẩy quy mô liên kết lên tầm cao mới.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, “Cánh đồng lớn” là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, nền nông nghiệp không chạy theo sản lượng mà chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp. Bởi “nhỏ lẻ, manh mún, tự phát” được xem như “lời nguyền” mà nền nông nghiệp hiện nay cần hóa giải, khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường. “Nhỏ lẻ” làm cho chi phí sản xuất cao. “Manh mún” gây khó khăn cho cơ giới hóa. “Tự phát” khiến chất lượng nông sản không đồng đều...
Mới đây, trong chuyến làm việc tại Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, các địa phương ĐBSCL phải liên kết chặt chẽ thành một thể thống nhất. Thống nhất nhưng phải giữ sự chủ động, nhạy bén, thích hợp riêng trong từng điều kiện, bối cảnh cụ thể của từng địa phương, để chủ động thích ứng, phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần những cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm vùng miền đa dạng, nhất quán quan điểm “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”. Với cách tiếp cận như vậy, “Cánh đồng lớn” không chỉ là mảnh ghép cơ học từ những thửa ruộng nhỏ, không chỉ là giới hạn của những bờ thửa nhỏ dần được mở rộng ra…
Giá trị gia tăng của chuỗi ngành hàng nông sản chủ yếu ở khâu sau thu hoạch, bao gồm bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì, xây dựng thương hiệu, tiếp thị, bán hàng, thương mại hóa qua đa dạng kênh phân phối. Để tích hợp mục tiêu kinh tế nông nghiệp trên những “Cánh đồng lớn”, chuỗi giá trị phải được hình thành song song với tiến trình mở rộng.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng: “Vai trò của kinh tế tập thể, nhất là các HTX nông nghiệp, là một mắt xích quan trọng để liên kết với doanh nghiệp. HTX đủ mạnh sẽ tham gia tích cực vào chuỗi giá trị ngành hàng cùng với doanh nghiệp”. Do vậy, cần gấp rút chuyển đổi mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang mô hình “Cánh đồng lớn”, tăng cường liên kết các hộ dân, các địa phương và liên kết cả vùng… để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam bền vững.
Chỉ có HTX mới đủ sức liên kết hộ nông dân để chuyển những cánh đồng nhỏ sang cánh đồng lớn. Thống nhất cây giống, mùa vụ, phương thức canh tác hiện đại, hữu cơ… nhằm nâng chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu. Việc phát triển từng hợp tác xã cần có diện tích tối thiểu 1.000ha trở lên.
Các chuyên gia ngành lúa gạo cũng cho rằng, để “Cánh đồng lớn” có hiệu quả, phát triển bền vững cần xây dựng mối liên kết sản xuất chặt chẽ giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là trung tâm, đồng thời đảm bảo sự phân phối lợi ích hợp lý trong chuỗi giá trị. Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào quá trình tổ chức sản xuất theo chuỗi…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sẽ sớm thành lập Văn phòng Điều phối nông nghiệp cho cả vùng ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ. Đây sẽ là cơ quan có vai trò điều phối chung, gắn kết hoạt động sản xuất nông nghiệp lần đầu tiên ở quy mô cấp vùng. Cơ quan này sẽ đi sâu, tiếp cận đa chiều, lắng nghe những khó khăn từ thực tế, kịp thời kiến nghị tới các bộ ngành… để có những quyết sách phù hợp; trong đó việc đẩy mạnh liên kết để phát triển nông nghiệp ĐBSCL bền vững là mục tiêu quan trọng.
Đã có doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo thuộc hàng “khủng” |
* Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang: |