Cần Thơ là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, mang đặc trưng của một trung tâm đa chức năng, có sức thu hút, tác động lan tỏa đến các địa phương trong vùng ĐBSCL. Cùng với TPHCM, Cần Thơ là “2 nút kép” tạo ra không gian phát triển liên vùng, đồng thời là cửa ngõ ra Biển Đông của tiểu vùng Mekong.
Cần Thơ ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò trung tâm vùng, nhưng cũng đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, chức năng của một đô thị lớn chưa nổi trội. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, chưa thật sự trở thành hạt nhân liên kết và kết nối, tạo ra đột phá để thực sự trở thành trung tâm động lực cho cả vùng ĐBSCL. Nguyên nhân được nhận diện chính là thiếu động lực mạnh mẽ, chưa tạo ra nguồn lực lớn để tạo đột phá. Chính vì vậy, việc xem xét thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng.
Trong thực tế, chính sách thu hút đầu tư về cơ bản đã được phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương. Cái mà Cần Thơ cần là sự vượt trội cần thiết phù hợp bối cảnh thực tiễn của địa phương. Khả năng cân đối nguồn lực đầu tư công và huy động mạnh mẽ đầu tư toàn xã hội; đồng thời, tăng chủ động đi liền với trách nhiệm và đảm bảo kiểm tra, giám sát của Trung ương liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư, tài chính, ngân sách, đất đai, quản lý đô thị.
Một số cơ chế, chính sách cần thiết đề nghị Quốc hội quyết định cho TP Cần Thơ không phải hoàn toàn mới, đã có cơ sở thực tiễn tại một số địa phương khác. Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An đã được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù trong các lĩnh vực quan trọng để tạo động lực phát triển. Đó là cơ chế vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về và cho địa phương vay lại theo tỷ lệ nợ vay từ không quá 60% đến không quá 90%.
Tương tự, các cơ chế, chính sách đặc thù liên quan “bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, thẩm quyền quyết định về phí, lệ phí, về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch”, đã được áp dụng cho các địa phương nêu trên, dựa trên năng lực thực tiễn của địa phương.
Thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giai đoạn 2011-2020, TP Cần Thơ gặp phải các “điểm nghẽn” thủ tục và thẩm quyền, nên mới thực hiện chuyển đổi được 802ha, đạt 20,97% so với tổng diện tích hạn mức đất trồng lúa 3.825ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dư địa để thực hiện chuyển đổi còn nhiều, nếu được Quốc hội chấp thuận cho thực hiện theo phân cấp.
Mục tiêu thật sự trở thành trung tâm vùng của TP Cần Thơ thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, có đạt được hay không phụ thuộc vào việc sử dụng điểm tựa của các luận cứ khoa học và thực tiễn, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và vận động doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tham gia. Cần giải bài toán kinh tế - xã hội, môi trường; bố trí nguồn lực “đầu vào” đúng nhu cầu, khả năng đáp ứng và kết quả “đầu ra” trên cơ sở các tiêu chí định lượng và hiệu quả xã hội “chất lượng cuộc sống của người dân” TP Cần Thơ. Các cơ chế, chính sách đặc thù đang được kỳ vọng tạo ra nguồn lực đầu tư mới, cần cơ chế chính sách mới cho Tây Đô thời gian tới…