Khi cảm xúc thăng hoa
Trở lại sân khấu với sự nghiệp đạo diễn, tác phẩm thứ 3 mang tên Tiên Nga của NSƯT, nhà biên kịch, đạo diễn Thành Lộc ra mắt đã khiến khán giả từ ngạc nhiên đến bất ngờ. Để chạm đến sự rung cảm của người xem, ngoài vở cải lương đã có, Thành Lộc quyết định táo bạo chọn nhạc kịch làm lối đi riêng cho mình.
Từ tác phẩm truyện thơ Nôm của đại thi hào Nguyễn Đình Chiểu, hai chữ Tiên Nga nghe chừng khá đơn giản, nhưng có xem dàn dựng của NSƯT Thành Lộc mới thấy thực tế hoàn toàn trái ngược khi lên sân khấu, đặc biệt lại là thể loại nhạc kịch. Sẽ là thiếu lửa, thiếu chất nếu làm theo lối cũ, tức diễn viên diễn và hát trên nền nhạc thu sẵn, NSƯT Thành Lộc đã mạo hiểm quyết định mời cả dàn nhạc sống cho tác phẩm. Làm thế nào để cả hai yếu tố nhạc và kịch kết hợp thật ăn ý, nhạc vừa là nền tảng, là cảm hứng diễn xuất cho diễn viên, vừa nâng đỡ cho những giọng ca vốn lâu nay chỉ thuần diễn xuất, là một áp lực không hề nhỏ.
Sau thành công của các vở Bí mật Lệ Chi viên, Ngàn năm tình sử, nay Tiên Nga đã chắp thêm đôi cánh vững vàng để Thành Lộc thỏa sức tung bay, thăng hoa trong bầu trời nghệ thuật của riêng mình. Anh tự đặt ra áp lực, tự vượt qua áp lực với chính mình, mở chiếc rương báu vật, khoác cho nó tấm áo mới và đưa nó đến với công chúng, với đời sống. Một câu chuyện hiện lên thật gần gũi, thật dễ hiểu, chất chứa những tâm tư sâu xa về tình yêu, số phận, về con người, về trung - hiếu - tiết - nghĩa, đặc biệt là lòng yêu nước nồng nàn luôn cháy bỏng trong bao trái tim người dân nước Việt. Không chỉ cảm nhận lời thoại ngắn gọn, lối diễn đầy nội lực của Thành Lộc, người xem còn run lên theo từng khuôn nhạc kịch tính…
Sự thành công của vở kịch Tiên Nga không thể không nhắc đến nhạc sĩ Đức Trí. Tiên Nga hiện ra thật nhẹ nhàng và khéo léo khi lồng vào những câu thơ quen thuộc, những đoạn nhạc lấy cảm hứng từ đờn ca tài tử Nam bộ, từ những điệu lý đã đi vào lòng người phương Nam biết bao thế hệ. Ánh đèn vừa tắt, dàn nhạc nổi lên, cả khán phòng như chìm đắm trong một không gian rất riêng, như trở về với nguồn cội thiêng liêng mà đã từ lâu, người dân thành phố không tìm thấy.
Khán giả cũng ngập tràn cảm xúc khi xem tổ khúc múa Tổ quốc. Tổ quốc luôn là những xúc cảm thiêng liêng, luôn hiện hữu trong lòng mỗi người, nhưng đôi khi, khó từ ngữ nào có thể diễn tả hết được. Tổ khúc múa Tổ quốc do NSND Hà Thế Dũng, hai biên đạo trẻ Lương Xuân Thành, Tạ Thùy Chi, cùng các nghệ sĩ đến từ Trường Múa TPHCM, Nhà hát Nhạc, Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM dàn dựng, diễn tả những cảm xúc ấy bằng hình tượng thông qua vũ đạo của múa đã mang đến cho người xem những cảm xúc không thể nào quên…
Đây là 2 trong số 53 tác phẩm xuất sắc nhất, được tuyên dương tại lễ trao Giải thưởng VHNT TPHCM 5 năm lần thứ hai. Trong bối cảnh hòa nhập mạnh mẽ như hiện nay, trong dòng chảy đời sống thường nhật cũng vậy, càng được thụ hưởng được những tác phẩm VHNT có giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng cao đẹp, thật sự đáng quý.
Cần chuyển động mạnh mẽ
Giải thưởng VHNT TPHCM nhằm ghi nhận những nỗ lực sáng tạo của các giới văn nghệ sĩ thành phố, tôn vinh những tác phẩm tiêu biểu, có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, động viên khích lệ các văn nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, góp phần xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố và đất nước. Ở giải thưởng 5 năm lần thứ hai này, có thể thấy một tín hiệu vui, đó là sự phát triển nhanh và tham gia mạnh mẽ từ các đơn vị xã hội hóa - một đặc trưng và cũng là nguồn tài nguyên văn hóa tinh thần rất lớn của TPHCM, mà không phải địa phương nào cũng có được.
Mới đây, làm việc với lãnh đạo Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM cùng các sở, ban, ngành về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá, TPHCM là nơi khởi phát nhiều mô hình hay, sáng tạo, quan tâm đầu tư cho VHNT; hoạt động xã hội hóa VHNT phát triển mạnh. Tuy nhiên, so với nhu cầu cao, với vai trò, vị trí và tiềm lực quan trọng, TPHCM cần nỗ lực nhiều hơn. Thành phố chưa có một “thánh đường” nghệ thuật thực sự, đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm. Đời sống thực tiễn của thành phố luôn sôi động, ẩn chứa nhiều mới mẻ, nhưng những tác phẩm VHNT chưa phản ánh được với nhịp sống đó, chưa thực sự có được tác phẩm VHNT xứng tầm.
Thời gian tới đây, những tác phẩm đoạt giải thưởng cao về VHNT TPHCM sẽ được tiếp tục quảng bá đến đông đảo quần chúng, tạo đời sống văn hóa phong phú, thấm sâu các giá trị chân - thiện - mỹ trong đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Nhưng, vẫn còn đó một câu chuyện tâm tư đã cũ, là làm thế nào để thành phố có thêm những tác phẩm VHNT có tầm vóc lịch sử, có giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật cao, mang hơi thở của cuộc sống đương đại, phản ánh những góc nhìn mới của người trẻ hôm nay. Và quan trọng hơn cả là những tác phẩm đó làm sao đến được nhiều đối tượng khán giả. Với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa, hơn ai hết, văn nghệ sĩ là người nhận thức rất rõ sứ mệnh ấy. Ngoài ra, trong vai trò quản lý nhà nước, rất cần có sự chuyển động mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành, từ Sở VH-TT TPHCM, Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM và các ban ngành liên quan.