Theo lộ trình, đến năm 2020, 100% các trường cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP phải đảm bảo tự chủ tài chính.
Còn nhiều vướng mắc về tự chủ tài chính
Theo bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, qua hơn 7 năm trường thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Nghị định 43/2006 thì “có việc được, có việc không được”. Trường quyết được nhiều việc, nhưng lại không được tự chủ về nhân sự. “Nhân sự hoàn toàn thuộc UBND quận 5 quyết định. Liệu có tự chủ hay không khi còn sự trói buộc giữa nhân sự và tài chính”, bà Thủy băn khoăn và cho rằng đây cũng là tình trạng chung ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, không riêng trường Hùng Vương. Bà Thủy nhấn mạnh, vấn đề nhân sự là điều thật sự quan trọng cần tháo gỡ.
Hoàn toàn tán thành với quy định các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập phải tự chủ tài chính vào năm 2020, coi đây là “việc buộc phải làm, không thể khác được”, tuy nhiên, bà Thủy cũng còn nhiều suy nghĩ. Quy định học sinh học xong THCS mà học nghề thì sẽ được miễn phí, vậy miễn phí như thế nào khi trường tự chủ tài chính? Học phí - nếu học sinh không trả, thì ai trả? Nhà trường có được rót lại tiền “bù” khoản này không? Bà Thủy trăn trở: “Mức thu học phí hiện nay, ngay cả khi áp dụng mức tối đa theo dự thảo khung học phí của Chính phủ, cũng không thể đủ trang trải chi phí đào tạo”.
Vấn đề tuyển sinh và mức học phí cũng là lo ngại của ông Trần Kim Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TPHCM. Ông Tuyền cho hay, công tác tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do tâm lý chung của xã hội vẫn muốn vào đại học. Về học phí, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nguồn thu chủ yếu là học phí, song mức thu học phí vẫn theo khung của Nhà nước và còn thấp, chưa có khả năng bù đắp chi phí cho các hoạt động.
Ông Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật TPHCM, cho hay trường đã tự chủ tài chính một phần được 2 năm. Thời gian qua, trường liên kết với các doanh nghiệp (DN), đặt hàng với DN là thầy cô qua DN huấn luyện tay nghề, học viên được qua thực tập; ra trường, học viên được DN tiếp nhận làm việc. Điều ông Khiêm tâm tư là hiện nay, trường muốn mời DN về trường đầu tư trang thiết bị để gia công sản phẩm. Tuy DN đồng tình, song chính sách lại chưa rõ để thực hiện.
Hợp tác với DN - chuyện sống còn
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật TPHCM đề nghị cần có chính sách cụ thể với DN đầu tư, hợp tác với nhà trường tạo môi trường học tập thực tế cho người học, tạo sản phẩm phục vụ xã hội. Ví dụ, nhập máy móc vào để thực hành và sản xuất thì được miễn thuế; sản phẩm đưa ra thị trường được miễn giảm thuế… Ông Phạm Đức Khiêm cho biết, trường đang “năng động” bằng cách mỗi khoa đều có dịch vụ kèm theo. Khoa Ngoại ngữ có trung tâm ngoại ngữ; Khoa Tự động hóa có trung tâm dịch vụ gia công. “Tức là có DN “nhỏ” ở trong mỗi khoa, để dần dần tăng thu cho trường và hy vọng năm 2021, trường có thể tự chủ tài chính hoàn toàn được”, ông Khiêm cho hay về hướng đi của trường.
Học viên được đào tạo nghề ngay tại doanh nghiệp từ sự phối hợp giữa doanh nghiệp và trường nghề. Ảnh: VIỆT DŨNG
Xác định tự chủ tài chính là yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập vào thời gian tới, ông Trần Kim Tuyền cũng cho hay, đến năm 2021, Trường Cao đẳng nghề TPHCM thực hiện được tự chủ tài chính. Ông Tuyền đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được xác định mức thu học phí theo cơ chế thị trường.
Là cơ sở giáo dục nghề nghiệp duy nhất ở TPHCM đến thời điểm này đã “tự sống” được, ông Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay và động viên các trường cứ mạnh dạn “tự chủ”, mạnh dạn “bứt ra mà sống”.
Theo ông Hưng, tự chủ tài chính thực sự là cuộc “lột xác” với trường. Trường được tự chủ toàn bộ, từ quyền tuyển giáo viên, cơ cấu tổ chức bộ máy, bổ nhiệm, miễn nhiệm, nghiên cứu khoa học… Sau khi tự chủ, trường “tiết kiệm” được 50 giáo viên, người lao động (chiếm gần 1/3 số lao động trước khi tự chủ).
Ông Hưng cho hay, khi thực hiện tự chủ thì tư duy về công tác tài chính được đổi mới rõ nét nhất. Mỗi thành viên trong trường đều xác định “thu nhập” gắn với năng suất lao động và năng lực làm việc. Nhìn chung, lương tăng khoảng 20% sau khi tự chủ, song tất nhiên không cào bằng: có người lãnh lương 3 triệu đồng/tháng, có người lãnh lương 30 triệu đồng/tháng.
Trong đào tạo, theo ông Hưng, trước khi tự chủ, trường “rất không năng động”, chỉ tuyển chỉ hơn 1.000 người học; giờ tuyển được 2.700 sinh viên. Với diện sinh viên nghèo, diện chính sách, trường thực hiện miễn giảm học phí theo quy định của Nhà nước, bằng cách tự lấy tiền lãi ngân hàng chi trả “bù” cho các khoản này, chứ “ngân sách không cấp gì hết”.
“Giờ đây, việc liên kết giữa trường và DN là vấn đề sống còn của nhà trường. Trước khi tự chủ, trường chỉ giảng dạy cái trường có, không tính đến việc gắn nội dung chương trình đào tạo với DN. Khi tự chủ, trường xác định gắn với DN và cam kết nếu sinh viên ra trường mà thất nghiệp, nhà trường sẵn sàng trả lại học phí”, ông Hưng cho hay.
Hiện nay, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2 TPHCM là cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiếm hoi “dám” thu học phí với mức 14 triệu đồng/người/năm. Mức học phí này được đánh giá là “đáng đồng tiền bát gạo”, bởi học xong gần như không có chuyện thất nghiệp.
Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, TP có 52 trường cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp công lập. Đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đảm bảo tự chủ tài chính. Để làm được điều này, các đơn vị cần xác định lại ngành đào tạo trên cơ sở phát huy thế mạnh và tiềm năng của trường, theo nhu cầu xã hội. Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các cơ sở cần xác định lộ trình phù hợp: từ tự đảm bảo một phần chi thường xuyên đến tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, rồi đến vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp.