Thị trường yêu cầu ngày càng cao
Trong những chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhận định, không chỉ NTD thế giới mà tại Việt Nam xu hướng tìm đến sản phẩm xanh, an toàn đang được quan tâm. “Chúng tôi nhận thấy NTD chú trọng và chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm sạch, an toàn”, ông Đức nói.
Từ kinh nghiệm kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, Chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cũng thừa nhận, NTD dần thay đổi hành vi mua hàng theo hướng cân nhắc, lựa chọn sản phẩm đem lại lợi ích cho sức khỏe và có yếu tố bảo vệ môi trường nhiều hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành thực phẩm đang chịu nhiều sức ép thị trường quốc tế khi các nước quy định tiêu chuẩn cho hàng hóa nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn; sự cạnh tranh đến từ các nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa giành được thế chủ động về xuất khẩu hàng hóa, thị trường, công nghệ sản xuất.
Trong nhiều khảo sát bởi các đơn vị nghiên cứu thị trường và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đều chỉ ra rằng, NTD hiện đại ngày càng quan tâm đầu tư cho sức khỏe và sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước xu hướng này, ông Hiến khuyến nghị, doanh nghiệp nên tính lại chiến lược về sản phẩm, nguồn nhân lực, không thể bỏ qua khuynh hướng số hóa, tự động hóa và đặc biệt là phát triển sản phẩm theo xu hướng xanh, sạch.
Để sản phẩm xanh ra thế giới
Với những thay đổi của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã và đang chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất, đạt kết quả bước đầu. Chẳng hạn, Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) những năm gần đây đã xây dựng hệ thống trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm hiện đại nhất và đạt chuẩn GlobalGAP. Doanh nghiệp này cũng tìm kiếm các giải pháp để tiết kiệm năng lượng, chuyển sang sử dụng phương tiện vận tải chạy bằng điện trong khâu kinh doanh, phân phối. Theo đại diện Vinamilk, việc nhận định và đánh giá khá sớm sự quan trọng của “hộ chiếu xanh” và yếu tố phát triển bền vững ở những thị trường cao cấp giúp Vinamilk đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn. Cụ thể tại nội địa, sản phẩm của Vinamilk hiện chiếm khoảng 50% thị phần; còn với xuất khẩu, riêng thị trường châu Úc đã tăng trưởng doanh số hơn 10% mỗi năm. Sản phẩm của Vinamilk hiện đang được phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn như Costco, Woolworths, Coles, Aldi, Foodstuff…
Tương tự, Tập đoàn Masan cũng liên tục có phát kiến mới về sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn và tốt cho sức khỏe. Các tổ hợp chế biến thịt MEATDeli đều được công nhận đạt chứng chỉ BRC - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm. Chứng chỉ có giá trị quốc tế trong ngành thực phẩm và được xem là tấm vé thông hành cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm.
Cùng với các doanh nghiệp lớn đầu ngành, nhiều doanh nghiệp nhỏ, quy mô hợp tác xã (HTX) cũng chuyển đổi theo nhu cầu thị trường. Chẳng hạn HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vĩnh Long) lựa chọn sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Theo đại diện HTX này, việc sản xuất lúa hữu cơ không chỉ giúp bà con nông dân thay đổi thói quen canh tác để bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đến nay, HTX có 65 thành viên và diện tích 100ha, đạt chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế là USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada), với nhiều sản phẩm chủ lực từ gạo trắng, gạo đỏ, gạo tím thảo dược, kèm các sản phẩm sau gạo đang được ưa chuộng như bột dinh dưỡng, mầm cám, trà gạo...
Hay như HTX gà sạch miền Tây KOT. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Oanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX này, thời gian qua, HTX đã cố gắng tìm hiểu phương pháp chăn nuôi mới, không phụ thuộc vào kháng sinh, thức ăn công nghiệp để nâng cao chất lượng thịt gà. Cụ thể là ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nguồn thức ăn thuần thực vật như dùng máy xay và ép viên các loại nguyên liệu bắp, đậu nành, cỏ vườn… giúp tiết giảm chi phí sản xuất.
Những ví dụ trên cho thấy, doanh nghiệp Việt đang dần thích ứng với “luật chơi” mới của thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ là số nhỏ trong số hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay. Bởi để có thể lựa chọn hướng phát triển xanh vừa phù hợp nội lực của doanh nghiệp Việt Nam, vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà các thị trường đang áp dụng là không dễ vì có những tiêu chí xanh rất khó thực hiện trong thời gian ngắn. Vì thế, trong chiến lược dài hạn, các doanh nghiệp cần có lộ trình cụ thể, hợp lý, cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ về vốn, quảng bá góp phần lan tỏa sản phẩm cho doanh nghiệp có sản phẩm xanh.