Ngày 2-5, Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND TPHCM có buổi khảo sát về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Báo cáo với Đoàn giám sát, TS-BS Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, năm 2023, đơn vị thực hiện mua sắm, đầu thầu 7 gói thầu thuốc gồm: Biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị; gói thầu thuốc Generic - thuốc có cùng dược chất, hàm lượng, dạng bào chế với biệt dược gốc và thường được sử dụng thay thế biệt dược gốc; gói thầu thuốc dược liệu – thuốc cổ truyền với tổng giá trị trúng thầu là trên 204 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2022, bệnh viện cũng đã thực hiện đấu thầu mua sắm 5 gói thầu thuốc với tổng trị giá trúng thầu là 188,9 tỷ đồng. Khi thực hiện, bệnh viện đều căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực và nhu cầu thực tế của đơn vị, đặc biệt là nhu cầu chuyên môn y khoa phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện đã xây dựng các tiêu chí kỹ thuật, định mức cho công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, hoá chất, thiết bị, vật tư y tế tiêu hao đầy đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đa dạng hoá nguồn cung, tránh gián đoạn hoạt động chuyên môn. Công tác mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh, 100% đấu thầu qua mạng (trừ các gói thầu mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu khi cần thiết).
Về công tác quản lý, sử dụng thuốc tại bệnh viện, TS-BS Nguyễn Hữu Lân khẳng định, ngày càng được cải thiện về chất lượng và số lượng, bác sĩ điều trị có nhiều thông tin hữu ích trong chỉ định thuốc an toàn, hiệu quả điều trị, hiệu quả y tế - kinh tế, giúp người bệnh sử dụng thuốc đúng - đúng liều lượng, đường dùng, thời điểm dùng thuốc…
Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mong muốn mở rộng thêm danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và địa phương để giảm tình trạng các bệnh viện tự đấu thầu một cách manh mún như hiện nay. “Việc các bệnh viện phải tự đấu thầu rất mất thời gian trong khi nhân sự không đủ và không chuyên nghiệp do không phải ai cũng có chuyên môn trong công tác đấu thầu. Chúng tôi mong bệnh viện chỉ chú trọng thực hiện công việc chuyên môn là điều trị mà không phải đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế như hiện nay”, TS-BS Nguyễn Hữu Lân đề xuất.
Đồng thuận, đại biểu HĐND TPHCM Hoàng Thị Diễm Tuyết (Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TPHCM) chia sẻ với bất cập của đồng nghiệp, đồng thời chỉ rõ, các bệnh viện vẫn đang rất “khổ sở” trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế… Bởi hiện tại gần như tất cả nhân sự thực hiện công tác đấu thầu trong bệnh viện đa phần kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ, hầu hết chỉ dựa vào kinh nghiệm và được tập huấn, do đó rất dễ dẫn đến sai sót. Trong khi giá cả các mặt hàng, nhất là thuốc, vật tư y tế mỗi nơi một giá, chưa có sự thống nhất trên cả nước như hiện nay thì việc để cho các bệnh viện tự đấu thầu dễ xảy ra tình trạng tiêu cực. “Thực tế đã xảy ra tình trạng tiêu cực trong đấu thầu và hậu quả là nhân sự đã thiếu còn thiếu hơn”, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết nêu thực tế.
Về bất cập đối với vấn đề giá thuốc trong bệnh viện, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết chỉ rõ: “Hiện các bệnh viện đã cố gắng xây dựng kho quản lý thuốc hiện đại, đạt chuẩn, an toàn, cố gắng đưa thuốc tới tận giường người bệnh… Nhưng giá thanh toán và giá đầu vào của các loại thuốc điều trị nội trú như nhau, chưa tính đến chi phí lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, hao hụt. Đặc biệt có những loại thuốc phải bảo quản lạnh như vaccine, thuốc nội tiết, những thuốc có hạn sử dụng ngắn, rất dễ hư hỏng nếu không được bảo quản, lưu trữ tốt”.
Kết luận tại buổi khảo sát, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình ghi nhận những nỗ lực của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong thời gian qua không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong điều trị. Bệnh viện tiếp tục thực hiện đấu thầu thuốc, vật tư, y tế phục vụ đầy đủ nhu cầu của người bệnh. Ông Cao Thanh Bình khẳng định, những đề xuất, gợi ý tâm huyết của bệnh viện rất sát thực tế, gợi mở để ban tổng hợp và sẽ có kiến nghị các giải pháp tới UBND TPHCM, sở ban ngành nhằm tháo gỡ bất cập trong công tác đấu thầu thuốc cho Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nói riêng và các bệnh viện khác nói chung.