Đường bộ, với ưu thế về sự thuận lợi, chi phí thấp nên thường là sự lựa chọn hàng đầu, nhất là khi hạ tầng có nhiều cải thiện, với hàng loạt đường cao tốc mới được xây dựng, hàng loạt tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp. Bên cạnh thành tựu ấn tượng về số kilômét đường cao tốc hoàn thành, về thời gian di chuyển được rút ngắn thì ở một góc độ khác, nguy cơ tai nạn giao thông càng tăng.
Nguyên nhân tai nạn giao thông tăng chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Nếu 5 ngày của kỳ nghỉ lễ năm trước lực lượng chức năng trên cả nước xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm thì năm nay con số này là 75.000. Trong đó, số vi phạm về nồng độ cồn của năm nay gần 4.000 trường hợp/ngày, số vi phạm về tốc độ cũng ở con số tương tự.
Thực tế cho thấy, 2 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong ngày 30-4 đều liên quan đến ý thức của người điều khiển và chủ phương tiện. Trong đó, vụ tai nạn xảy ra tại huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) làm 2 người trên xe máy tử vong có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ. Còn vụ tai nạn giữa 2 xe khách xảy ra tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) làm 6 người thương vong có 1 xe chạy quá tốc độ, 1 xe không gắn thiết bị giám sát hành trình.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 2 và cả năm vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ GTVT kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, nhất là trên các tuyến đường cao tốc; phát huy hiệu quả các chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, xe quá tải, ma túy; tăng cường phạt nguội đối với nhóm hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy (chiếm tới 80%-90% lưu lượng tham gia giao thông).
Bên cạnh đó, ngành giao thông và các bộ ngành địa phương cũng nên tập trung vào các giải pháp căn cơ hơn. Trước mắt là triển khai Nghị định 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, dịch vụ đào tạo, sát hạch lái ô tô (liên quan tới quản lý xe hợp đồng, xe du lịch) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-6. Các cơ quan chức năng cũng nên sớm chuẩn bị, tập huấn, phổ biến để bảo đảm những nội dung sửa đổi trong nghị định đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Cùng với đó, chuẩn bị điều kiện để triển khai hiệu quả Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, dự kiến được Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Đây được cho là 2 dự án luật quan trọng nhất trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, được kỳ vọng sẽ kéo giảm đáng kể các chỉ số trong giai đoạn tới để những con số về tai nạn giao thông sẽ bớt nhức nhối.