Dự án Luật Tố cáo sửa đổi quy định bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin, người thân của người tố cáo. Trách nhiệm bảo vệ thuộc về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ quan công an, UBND cấp xã.
Thạc sĩ luật Nguyễn Văn Trí góp ý sửa đổi Luật Tố cáo Góp ý dự án sửa đổi Luật Tố cáo do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức vào sáng 6-10, Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) đề nghị, giao trách nhiệm chính cho cơ quan công an trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản, nhân phẩm của người tố cáo, người cung cấp thông tin và người thân của người tố cáo.
Địa chỉ trách nhiệm còn chung chung
Dự án Luật Tố cáo sửa đổi quy định bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin, người thân của người tố cáo. Trong đó, phạm vi bảo vệ gồm: bí mật thông tin, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm; bảo vệ các quyền công dân tại nơi cư trú; bảo vệ vị trí công tác, việc làm… Trách nhiệm bảo vệ thuộc về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ quan công an, UBND cấp xã.
Thế nhưng, một số đại biểu lại cho rằng, dự thảo quy định nhiều cơ quan có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo, song chưa rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, cơ quan nào chịu trách nhiệm phối hợp. Đồng thời, việc giao UBND cấp xã bảo vệ các quyền công dân của người được bảo vệ tại nơi cư trú là chưa thật sự phù hợp, tính khả thi không cao.
Luật sư Trương Thị Hòa nhận xét, dự thảo lần này bổ sung hẳn một chương quy định bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin và người thân là rất cần thiết. Nhưng tính khả thi của các quy định này mới quan trọng. Qua đó, luật sư Hòa đề nghị, giao trách nhiệm chính cho ngành công an thực hiện nhiệm vụ trên, vì đây là lực lượng có chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng tình với việc bảo vệ người tố cáo, Phó Chánh Thanh tra TPHCM Trần Đình Trữ cho rằng, dự thảo sửa đổi cần quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Về đối tượng bị tố cáo, thạc sĩ luật Nguyễn Văn Trí nhận xét, dự thảo bổ sung thêm: “Người nguyên là cán bộ, công chức, viên chức và cả hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức. Quy định này bù đắp những khiếm khuyết của Luật Tố cáo hiện hành".
“Tuy nhiên, theo tôi không nên quy định đối tượng tố cáo là hành vi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức. Bởi vì cơ quan, tổ chức khi được giao nhiệm vụ, công vụ nếu vi phạm pháp luật thì đó là hành vi mang tính chất vụ lợi cá nhân. Còn không, cơ quan tổ chức thực hiện không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục thì phải là đối tượng khiếu nại. Hơn nữa, quy định này sẽ có nguy cơ, những cá nhân có thẩm quyền có hành vi vi phạm nhưng núp bóng dưới dạng văn bản, hành vi của cơ quan, tổ chức. Điều này dẫn đến rất khó xử lý những cá nhân đó vì “vướng” trách nhiệm tập thể. Trong khi đó, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức phần lớn phụ thuộc vào ý chí cá nhân của người đứng đầu”, thạc sĩ Nguyễn Văn Trí phân tích.
Tố cáo phải chính danh
Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Trí, dự thảo bổ sung quy định rút tố cáo khi không có căn cứ là cần thiết. Nhưng để tránh tình trạng bị lợi dụng tố cáo sai sự thật (rồi sau rút tố cáo) làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo thì cần có các quy định chặt chẽ hơn.
Mặc khác, thạc sĩ Nguyễn Văn Trí cho rằng, dự thảo bổ sung nhiều hình thức tố cáo (qua thư điện tử, fax, điện thoại) cùng với các quy định về đơn tố cáo nặc danh, mạo danh… làm mất đi giá trị của tố cáo chính danh. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người bị tố cáo.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Trí còn dự báo, với các quy định này, đơn thư tố cáo không đúng hình thức, không chính danh sẽ tăng đột ngột và người tố cáo sẽ không bao giờ tố cáo chính danh.
Dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi vẫn duy trì nguyên tắc, không xem xét giải quyết tố cáo đối với đơn thư nặc danh. “Tố cáo phải chính danh, đúng hình thức, còn nặc danh, mạo danh, khuyết danh thì không xem xét, thụ lý giải quyết. Còn làm sao để người tố cáo thực hiện việc tố cáo chính danh là ở chỗ, người có thẩm quyền phải bảo vệ người tố cáo hiệu quả để họ tin tưởng và tố cáo chính danh”, thạc sĩ Nguyễn Văn Trí góp ý.
Phó Chánh Thanh tra TPHCM Trần Đình Trữ bày tỏ đồng tình với quy định không xem xét tố cáo nặc danh nhưng ông đề xuất phải có quy định đối với các tố cáo nặc danh mà có các bằng chứng cụ thể, căn cứ rõ ràng. Theo đó, đối với đơn tố cáo nặc danh kèm các tài liệu, vật chứng, hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình và nội dung tố cáo rõ ràng thì chuyển sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo trình tự thủ tục thanh tra, kiểm tra nhằm tránh bỏ sót hành vi sai phạm.
Về các căn cứ tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết tố cáo, thạc sĩ Nguyễn Văn Trí không đồng tình và cho rằng, việc người bị tố cáo bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo mà đình chỉ giải quyết là vô lý.
“Quy định này sẽ khiến người bị tố cáo lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm trước hành vi vi phạm pháp luật của mình. Họ chỉ cần tìm cách để được xác định bị tâm thần, bệnh hiểm nghèo thì sẽ được tạm đình chỉ. Mặc khác, trong trường hợp người tố cáo ban đầu bình thường và khi bị tố cáo xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì dù sau đó họ “bị bệnh tâm thần” cũng không ảnh hưởng đến tiến trình giải quyết tố cáo”, thạc sĩ Nguyễn Văn Trí góp ý.
Qua tổng kết thi hành Luật Tố cáo năm 2011 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2012) và thực tiễn giải quyết ở nhiều địa phương, cho thấy xác định có hơn 59% đơn tố cáo sai, hơn 28% tố cáo có đúng có sai. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc người tố cáo tự nhận thấy tố cáo không đủ căn cứ, bằng chứng thì có quyền rút tố cáo. Trường hợp người tố cáo lợi dụng việc rút tố cáo để che giấu hành vi vi phạm hoặc bị ép buộc rút tố cáo mà hành vi vi phạm pháp luật vẫn tồn tại thì cơ quan nhà nước vẫn giải quyết. Việc rút đơn tố cáo không làm chấm dứt trách nhiệm bảo vệ pháp luật của cơ quan nhà nước.
KIỀU PHONG