Thực tế, những tận dụng nhanh các điểm mở trong Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cũng như đón đầu cơ hội từ một số bộ luật mới có hiệu lực như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… là có. Nhưng từ đó đến tính đồng bộ với tiến độ hướng dẫn thi hành của các cơ quan có thẩm quyền (các bộ, ngành trung ương) thì lại gặp… vướng mắc. Những điều chỉnh liên quan đến sự thay đổi của các bộ luật nói trên, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng… đều là lực cản khiến các biện pháp nhằm tháo rào chắn của địa phương rơi vào… bất khả!
Không khỏi chạnh lòng khi điểm sáng hiếm hoi trong quý 3 này là việc Chính phủ nhanh chóng đồng ý gia hạn thêm 5 năm cho dự án Mercedes-Benz Việt Nam trên khu đất ở quận Gò Vấp. Xử lý tài sản công như thế nào sau khi đã kết thúc gia hạn hợp đồng cho thuê đất lại trở nên lúng túng đối với cơ quan chức năng, mà việc này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi làm việc với thành phố đã có chỉ đạo phải sớm được giải quyết. Liệu đó có phải tiền lệ tích cực để chúng ta nhập cuộc quyết liệt hơn, tháo gỡ các vướng mắc - mà vì nó, không chỉ trên từng dự án, đối tác cụ thể, cả dòng chảy kinh tế cứ bị nghẽn mạch lưu thông, trong đó có giải ngân đầu tư công?
Trong khi đó, ở mảng tiêu dùng nội địa và xuất nhập khẩu đều ghi nhận mức tăng trên 10% (riêng nhập khẩu chỉ tăng 6,4% so với cùng kỳ). Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn duy trì ổn định, lưu thông thông suốt. Trong bức tranh sáng màu của xuất khẩu thì tín hiệu vui chính là nhiều doanh nghiệp ngành dệt may nhận đủ đơn hàng đến quý 3 và cuối năm 2024, điều này kéo theo việc làm và lao động cũng duy trì tích cực.
Để áp lực của quý cuối năm thành động lực cho hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm không ngoài việc tập trung cao độ cho các nhóm giải pháp: Cải cách mạnh mẽ quy trình cấp phép trong các lĩnh vực chủ lực, ví dụ quy định cấp phép xây dựng kéo dài đến 3 năm hiện gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Một lần nữa, thành phố cần phải đẩy nhanh và hoàn thiện cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực; cần tổ chức các phiên họp định kỳ cho từng dự án, chủ đề trọng điểm nhằm cùng các sở ban ngành chức năng, nhà đầu tư tháo gỡ các vướng mắc về quy định, quy trình, thủ tục.
Thành phố cũng cần tính toán vai trò của doanh nghiệp thông qua các chương trình cụ thể để thúc đẩy đầu tư đối với hạ tầng đường Vành đai 2, Vành đai 3 TPHCM; xây dựng cầu - đường nối thành phố với các tỉnh, thành lân cận như là giải pháp cứu cánh của ngành kinh tế. Đồng thời, thành phố sớm đưa ra phương án giao thông kết nối sân bay Long Thành - Đồng Nai để tạo đà cho ngành du lịch cũng như làm tiền đề cho sự dịch chuyển cả về hải quan, thuế quan, nhập khẩu hàng hóa, logistics… khi công trình này đi vào vận hành.
Sớm giải quyết bài toán về giao thông tại khu vực sân bay, nhà ga metro, cửa ngõ thành phố để quý cuối năm - cũng là thời điểm “mùa vàng” trong năm - kích cầu cho lưu thông hàng hóa, lễ hội, tiêu dùng và cả các hoạt động xúc tiến thương mại, nhắm đến việc tái đầu tư, xây dựng một số doanh nghiệp lớn có vai trò đầu tàu dẫn dắt, thúc đẩy cho kinh tế năm sau.