Hệ quả thiếu sự tính toán này khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp có chứng chỉ B1, B2 nhưng 4 khả năng nghe - nói - đọc - viết đều không biết. Thậm chí, nhiều giảng viên cũng chẳng đạt chuẩn nhưng sáng vẫn đứng lớp “to be”, chiều “to bé”.
Quá nhiều bất cập
Nhìn vào quá trình thực hiện đề án đã thấy sự bất ổn. Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ ngày 30-9-2008, nhưng đến giữa tháng 8-2012, Bộ GD-ĐT mới bắt tay triển khai thực hiện. Thế nhưng cho đến nay khi tổng kết đề án, nhiều trường cũng cho biết chưa nghe nói đến đề án này.
Để thực hiện đề án, Bộ GD-ĐT đặt yêu cầu: sinh viên CĐ chuyên ngữ sau khi tốt nghiệp phải đạt tiếng Anh bậc 4 (B2) và ĐH là bậc 5 (C1); đối với hệ không chuyên ngữ là bậc 3 (B1). Theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam gồm: bậc 1 (A1), bậc 2 (A2), bậc 3 (B1), bậc 4 (B2), bậc 5 (C1), bậc 6 (C2).
Kết quả rà soát trình độ giảng viên tiếng Anh và giảng viên chuyên ngành tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục ĐH trên cả nước có một bước thụt lùi và trình độ quá kém. Năm 2012, 220 giảng viên tiếng Anh thi khảo sát thì chỉ có 17 người đạt trình độ C2 (bậc 6, bậc cao nhất), 160 người đạt C1, 31 người đạt B2, 19 người đạt B1, 1 người đạt A2; trong khi đó, 675 giảng viên chuyên ngành tiếng Anh thi khảo sát chỉ có duy nhất 1 người đạt trình độ C2, nhiều nhất là trình độ B1, B2 và có tới 25 người đạt chuẩn thấp nhất A1.
Năm 2013, kết quả khảo sát càng tệ hơn khi 530 giảng viên tiếng Anh và 324 giảng viên chuyên ngành tiếng Anh thi khảo sát tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, không có người nào đạt trình độ C2. Năm 2014, trong số 365 giảng viên tiếng Anh trường ngoài công lập thi khảo sát, 2 người đạt trình độ C2, còn lại tập trung ở trình độ C1 và B2.
PGS-TS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng: “Kết quả khảo sát cho thấy trình độ tiếng Anh của “chiếc máy cái” ở các trường ĐH, CĐ của chúng ta là rất thấp. Thầy dạy sinh viên mà như vậy thì làm sao có thể yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải đạt chuẩn này, chuẩn kia được”.
PGS-TS Hoàng Anh Tuấn, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), thẳng thắn: “Mặt bằng chung ngoại ngữ của sinh viên hiện nay chỉ ở mức 360 - 370 TOEFL hoặc 3,5 IELTS. Trình độ này là rất thấp so với thế giới. Ở trình độ này sinh viên chỉ tiếp nhận những thông tin đơn giản, chưa thể tham gia vào các cuộc trao đổi.
Ông Phan Thanh Tiến, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế), cho biết: Tiếng Anh ở THPT là môn phụ và lên ĐH cũng vậy. Thi khảo sát trình độ tiếng Anh sinh viên năm nhất cho kết quả như sau: 10% đạt trình độ A2, 30% đạt A1 và 60% xếp loại A0. Thời lượng dành cho giảng dạy ngoại ngữ quá ít, từ A2 lên B1 có 7 tín chỉ. Vậy mà chúng tôi phải dạy sinh viên từ A0 lên B1”.
Trong khi đó, nhiều trường thừa nhận khi áp dụng chuẩn Bộ GD-ĐT quy định, quá nhiều sinh viên thi lại nhiều lần vẫn không đạt được. Do đó, nhiều trường phải hạ chuẩn thấp xuống để sinh viên có thể ra trường.
Phải làm thật
Phần thảo luận đã làm nóng hội trường khi rất nhiều bất cập trong quá trình các trường thực hiện chuẩn ngoại ngữ mà Bộ GD-ĐT yêu cầu bắt buộc.
Đại diện ĐH Thái Nguyên băn khoăn: “Chúng ta đã kết thúc giai đoạn đầu của đề án theo Quyết định 1400 của Thủ tướng. Nhưng trong quá trình thực hiện có rất nhiều điểm mà Bộ GD-ĐT cần phải lưu ý trong giai đoạn 2017 - 2025. Đó là đặt ra chuẩn này chuẩn kia nhưng không thực chất. Sinh viên, giảng viên đạt chuẩn này chuẩn kia nhưng sử dụng được ngoại ngữ hay không mới là quan trọng. Do đó, đừng có lấy chuẩn tiếng Anh để làm đẹp cho tấm bằng tốt nghiệp cử nhân”.
Đại diện Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ (ĐH Thái Nguyên) cho rằng: “Thực tế bộ môn ngoại ngữ còn thua xa các trung tâm ngoại ngữ ở bên ngoài. Do đó, việc tồn tại bộ môn ngoại ngữ là không có giá trị. Trường đã làm một cách kiên trì và có lộ trình để nâng dần trình độ ngoại ngữ của sinh viên, áp dụng chuẩn đầu ra tương đương mức B1 của Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam”.
Ông Phan Thanh Tiến chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng 3 phần mềm: tự học trực tuyến, ôn tập trực tuyến và thi chứng chỉ trực tuyến. Trường đầu tư 1,5 tỷ đồng cho phần mềm và cơ sở dữ liệu. Còn lại chúng tôi phải xã hội hóa. Chúng tôi tạo điều kiện cho sinh viên thi rất nhiều lần để tự học và tự tích lũy”.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết: “Chính sách của nhà trường là yếu tố quan trọng. Trường tăng tín chỉ ngoại ngữ từ 4 lên 12 tín chỉ. Tất cả chương trình tiếng Anh đều giành 1/3 thời lượng cho giảng viên bản xứ giảng dạy. Xem tiếng Anh là kỹ năng chứ không phải là môn học tích lũy như trước đây”.
Đại diện nhiều trường cũng kiến nghị rằng kết quả khảo sát tiếng Anh đầu vào của các trường ĐH có tới trên 60% đạt trình độ A0. Vậy mà yêu cầu chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp phải là B2, B1 là rất khó. Phải hạ chuẩn và để các trường có lộ trình trong xây dựng chuẩn đầu ra. Mặt khác, Bộ GD-ĐT cũng phải xem lại cách đào tạo tiếng Anh ở bậc phổ thông khi 2/3 trình độ tiếng Anh không có gì mà vẫn đậu tốt nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án ngoại ngữ giai đoạn 2008 - 2020, thừa nhận: “Đúng là có những mục tiêu đề án đặt ra quá cao nên thực tế chưa thể đạt được. Do đó, Bộ GD-ĐT cũng đã soạn thảo lại đề án cho giai đoạn 2017 - 2025 và vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. So với đề án cũ, đề án mới Bộ GD-ĐT đã hạ chuẩn đối với các trường ĐH, CĐ và yêu cầu một cách rất chung chung. Đó là “đến năm 2025, các trường ĐH, CĐ sư phạm đào tạo ngoại ngữ, các trường đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ và 80% các ngành khác triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ…” .