Trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước và khu vực
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đang trở thành một yêu cầu cấp thiết. Nhiều quốc gia phát triển CNVH ở mức chuyên nghiệp, nhất là ở các nước phát triển - đã áp dụng mô hình văn hóa mở đường cho các hoạt động kinh tế. Các ngành CNVH là một lĩnh vực phát triển nhanh chóng và là trọng tâm được nhiều nước quan tâm, coi đó là lĩnh vực đột phá trong chiến lược phát triển quốc gia.
Đề án Phát triển ngành CNVH TPHCM đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án), nêu rõ mục tiêu của từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu phát triển, đưa TPHCM trở thành trung tâm CNVH của cả nước và khu vực. Đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố, gồm quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa. Định hướng và từng bước phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành CNVH và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”
Giai đoạn 2026-2030, Đề án đặt mục tiêu phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH trên địa bàn thành phố một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố sẽ có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới. Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm CNVH của khu vực Đông Nam Á.
Đề án cũng đề cập việc tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội trong và ngoài nước để phát triển các ngành CNVH của thành phố. Xây dựng thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa vốn là thế mạnh của thành phố, thúc đẩy phát triển các nhóm ngành dịch vụ văn hóa đạt chất lượng, hiệu quả. Trong đó, tập trung phát triển và quản lý nhằm nâng cao tỷ trọng các ngành dịch vụ, xem đây là yếu tố cơ bản để ngành CNVH thành phố phát triển bền vững. Liên kết các tổ hợp và mạng lưới trong các ngành CNVH, thông qua việc tích hợp cơ sở dữ liệu nhằm kết nối các tổ chức, cá nhân và lực lượng công chúng thành phố.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Hiện nay, TPHCM có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm tỷ lệ 7,74% trong tổng số doanh nghiệp của toàn thành phố. Nếu như năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành CNVH ở TPHCM đạt trên 36.094 tỷ đồng thì đến năm 2019, con số này đã trên 84.123 tỷ đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu của ngành có sự sụt giảm, nhưng vẫn đạt 77.135 tỷ đồng.
Đóng góp của sản xuất CNVH vào GRDP của thành phố năm 2010 đạt tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 đạt 3,88%, trong đó ngành quảng cáo có tỷ lệ đóng góp lớn nhất. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên giá trị sản xuất của các ngành CNVH ở thành phố phát triển thấp, đạt 36.732 tỷ đồng, chiếm 3,54% tổng GRDP của toàn thành phố. Tuy nhiên, đóng góp của ngành CNVH đến năm 2020 vào GRDP của toàn thành phố vẫn cao hơn mục tiêu phấn đấu của cả nước (khoảng 3% GDP).
Các chương trình âm nhạc truyền thống góp phần xây dựng bản sắc văn hóa cho TPHCM trong dòng chảy nghệ thuật đương đại và hội nhập quốc tế Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Thực tế có thể thấy, tỷ trọng đóng góp của ngành CNVH đối với GRDP và sự phát triển kinh tế của thành phố ngày càng lớn. Việc lựa chọn loại hình, lĩnh vực trọng tâm và có cơ chế, chính sách phát triển sẽ tạo động lực để các ngành CNVH đóng góp ngày càng lớn hơn và góp phần phát huy giá trị văn hóa trong quá trình phát triển, hội nhập của đất nước.
Đề án cũng đề cập đến việc xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại để tạo nền tảng, cơ sở sản sinh ra các sản phẩm văn hóa mang tính công nghiệp, chất lượng cao, phù hợp thị trường. Để cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại có thể phát huy được vai trò của mình đối với sự phát triển của ngành CNVH, các cấp, ngành, địa phương của thành phố cần quan tâm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại. Các cơ chế, chính sách này phải bám sát các cơ chế, chính sách trong phát triển hạ tầng công nghệ, hạ tầng liên quan đến thiết chế văn hóa của thành phố, gắn với xây dựng đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, vấn đề xã hội hóa trong phát triển văn hóa cũng được Đề án đề cập. Thành phố sẽ sớm có cơ chế tiếp nhận đề xuất từ doanh nghiệp và đặt hàng sản phẩm phát triển công nghiệp văn hóa cho doanh nghiệp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp, đồng thời tạo sự yên tâm, tin tưởng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ổn định và lâu dài. Có cơ chế đặc thù để định hướng ủng hộ, tạo điều kiện, hỗ trợ hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân mang tính đầu tàu, dẫn dắt, tiên phong để phát triển 8 ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn của thành phố.
Bà NGUYỄN THỊ THANH THÚY Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM: Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển
Để xây dựng một nền CNVH thực thụ, chính các tác giả phải ý thức sáng tạo tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, có tính nhân văn sâu sắc. Các tác phẩm sau khi ra đời phải được bảo vệ, phản biện tích cực để chúng được tiếp cận thị trường hiệu quả.
Và để chạm đến nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều chung nhận định rằng: Tuy có nhiều bứt phá mạnh mẽ nhưng một số lĩnh vực văn học, nghệ thuật thành phố vẫn chưa được gọi là những ngành công nghiệp đúng nghĩa, chúng ta vẫn xem các sáng tác là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà không quan tâm quá trình vận hành của một sản phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp. Có lẽ, các sản phẩm văn hóa cần được nhìn nhận như một sản phẩm được đầu tư với đầy đủ các quy trình và quảng bá rộng rãi, có như vậy mới có thể tiến tới xây dựng một nền CNVH thực thụ.
Để phát triển ngành CNVH trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế - xã hội, làm cầu nối phát triển liên kết vùng, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh văn hóa, con người TPHCM ra khu vực và thế giới, trong giai đoạn 2021-2030, thành phố cần tập trung triển khai xây dựng được một hệ sinh thái trong các lĩnh vực CNVH đáp ứng những nội dung cơ bản sau: bảo vệ bản quyền một cách thật sự hiệu quả, xây dựng được chiến lược phát hành sản phẩm phù hợp, nâng cao hiệu quả doanh thu từ hoạt động nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh...
Bà DƯƠNG CẨM THÚY, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM: Đưa sản phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa ra thế giới
Chúng ta phải phấn đấu để các tác phẩm văn học nghệ thuật được quảng bá, xuất khẩu ra nước ngoài như một sản phẩm hàng hóa. Và để làm được điều đó, bắt buộc phải thực hiện thành công CNVH ở thành phố. Chúng ta có Nghị quyết số 23-NQ/TW, Nghị quyết 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU làm nền tảng vững chắc để phát triển văn học nghệ thuật một cách toàn diện.
Việc cần làm hiện nay là phải có chiến lược phát triển văn học một cách căn cơ, toàn diện, sao cho có nhiều tác phẩm văn học mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, không lạc hậu với trào lưu hiện đại; cách tân, nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa dân tộc, gìn giữ những tinh hoa các thế hệ tiền nhân để lại. Qua đó cho thế giới hiểu biết thêm về con người và thành phố chúng ta; con người và đất nước Việt Nam của chúng ta.