Hiện thực giấc mơ
Nắng đầu hè oi ả nhưng các hộ dân sinh sống trong những căn nhà tạm bợ, chật chội với nhiều thế hệ tại khu vực I di tích Kinh thành Huế vẫn vui vẻ tháo dỡ nhà cửa, tận dụng vật liệu còn dùng được để đưa đến nơi ở mới. Những tấm tôn, cột gỗ, mái tre… phủ dày các lớp bụi thời gian từng nhấp nhô trên Thượng Thành hay vùng Eo Bầu thuộc các phường Thuận Lộc, Thuận Thành, Tây Lộc của TP Huế, nay dần biến mất khỏi di tích Kinh thành Huế. Trong khi, tại khu dân cư Hương Sơ, nơi ở mới dành cho bà con nhường đất đai, nhà cửa cho Di sản Huế, máy móc thi công khẩn trương. Một khu dân cư rộng hàng trăm hecta có hình hài là các dãy nhà xây kiên cố, thẳng tắp hiện ra trước mắt với những trục đường quy hoạch bài bản, có điện, trường, trạm… Hàng trăm gia đình xây xong nhà đã dọn đến ở từ trước Tết Tân Sửu, nhiều hộ khác đang hoàn thiện các hạng mục còn lại của ngôi nhà để kịp về sống trước mùa mưa bão 2021.
Ông Nguyễn Văn Hòa là hộ dân sinh sống trên Thượng Thành, được cấp đất và hỗ trợ tiền xây căn nhà 2 tầng kiên cố, chia sẻ: “Thời tiết thuận lợi thì khoảng 15 ngày nữa, căn nhà của gia đình xây theo mẫu chung tại khu dân cư Hương Sơ hoàn thành để cả nhà chuyển đồ đạc đến sinh sống”.
Giống các gia đình khác bao năm sống trên Thượng Thành và thuộc diện quy hoạch nên nhà cửa gia đình ông Hòa dột nát, mục rữa vì không được cơi nới, sửa sang. Đến khi TP Huế có chủ trương và phê duyệt thì gia đình ông xung phong bàn giao mặt bằng để nhận tiền thưởng theo quy định, sau đó thuê nhà ở tạm để dễ bề quán xuyến thợ thầy xây nhà mới tại khu dân cư Hương Sơ.
“Ra Hương Sơ, chỉ cách nơi ở cũ vài cây số lại được Nhà nước cấp đất vuông vắn, hỗ trợ tiền xây nhà kiên cố, rộng rãi… Cả nhà tôi cứ tưởng nằm mơ nhưng ai ngờ lại là hiện thực trước mắt”, ông Hòa nói.
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế (Đề án) quy mô 5.470 hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.915 tỷ đồng, triển khai trong thời gian 2019-2025. Ông Trần Văn Cẩm với thâm niên hơn 40 năm làm tổ trưởng tổ dân phố 14 (phường Thuận Lộc, TP Huế) nói, đây là đề án của ý Đảng hợp lòng dân. Bởi theo quy định, hầu hết những hộ dân sinh sống tại khu vực I Kinh thành Huế không được hưởng chính sách đền bù mà chỉ nhận hỗ trợ theo các mức nhất định. Trong khi, phần lớn các hộ dân đều nghèo, sống bằng nghề lao động phổ thông. Phận đời nghèo khó buộc họ phải “sống chung” với… di sản thế giới, trong cảnh tạm bợ từ 50-70 năm nay.
“Nút mở ý nghĩa nhất của khung chính sách đối với đề án này là Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đối tượng từ không được đền bù sang được hỗ trợ theo các mức quy định của Luật Đất đai. Vui hơn nữa là các vị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành trung ương thường xuyên về thăm, động viên bà con thuộc diện di dời. Còn lãnh đạo tỉnh và TP Huế thì luôn lắng nghe, thấu hiểu, tạo mọi điều kiện trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, không “lạm dụng” chính sách… Đó là sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo giúp bà con an tâm, cùng nhau đồng tình ủng hộ đề án”, ông Cẩm nói.
Chăm lo sinh kế cho người dân
Kinh thành Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Thế nhưng, nhiều năm qua di sản này ngoài việc xuống cấp theo thời gian do những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, còn bị tác động, làm hư hại bởi chiến tranh và yếu tố con người. Đặc biệt, khu vực I di tích Kinh thành Huế có rất đông người từ các vùng khác đến sinh sống, khiến di tích bị xâm phạm nghiêm trọng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế nhìn nhận, Đề án được triển khai là thời cơ vàng để di dời dân ở Thượng Thành, Eo Bầu và một số di tích trong Thành nội. Qua đó, khôi phục giá trị di tích Kinh thành Huế; góp phần hình thành khu dân cư mới, tạo sinh kế cho người dân; góp phần chỉnh trang không gian đô thị Huế ở khu vực nội thành.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện Đề án đang diễn ra thuận lợi, được sự đồng thuận từ các hộ dân nằm trong dự án. Một số trường hợp có đơn kiến nghị trong quá trình triển khai thì UBND TP Huế tổng hợp, phân loại, trình cấp có thẩm quyền xem xét kịp thời. Trong khi đó, ông Hoàng Hải Minh, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, cuối tháng 9-2021 sẽ di dời hết 3.516 hộ ở giai đoạn 1 của Đề án; sau đó triển khai giai đoạn 2 với 1.954 hộ. Mọi công việc đều công khai, minh bạch, rõ ràng, dưới sự giám sát chặt chẽ của nhiều lực lượng và người dân. Ngoài 25 hộ nghèo thuộc Đề án đã được nhận 25 căn nhà có diện tích 61,1m2 gồm nhà 1 tầng và 1 gác lửng, Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng khu vực TP Huế sẽ khởi công xây dựng nhà ở cho người nghèo đợt 2 của dự án vào dịp 30-4; khánh thành Trường Mầm non Hương Sơ phục vụ nhu cầu học tập của con em di dời đến nơi ở mới; đồng thời, trình đề án đặt tên đường phố tại khu dân cư này trong thời gian sớm nhất.
“Trước mục tiêu trả lại tính nguyên vẹn, khang trang cho di sản và đô thị Huế thì phải là chuyện an dân. Chính quyền địa phương còn tính toán để về lâu dài, bà con có thể làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh ngay ở khu định cư mới… Đó là mục tiêu hướng đến cho mọi người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất, an toàn nhất, tốt đẹp nhất”, ông Phan Ngọc Thọ nói.