Tỉnh bảo dừng, nhà khoa học nói... tiếc
Trao đổi với PV Báo SGGP, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh thể hiện rõ quyết tâm muốn dừng đề án CVĐC toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh (gọi tắt là đề án) vì sẽ có lợi hơn cho địa phương. Theo ông Minh, ý định trên là của cá nhân ông với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh, còn quyết định chính thức cần phải thông qua Thường vụ Tỉnh ủy.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nam, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN-MT), một trong những nhà khoa học có trên 6 năm thực hiện nhiều đợt khảo nghiệm, tìm tòi để hoàn thiện hồ sơ cho đề án, bày tỏ: “Hiện nay đề án đã cơ bản hoàn thiện gần như 90%, sẽ được UNESCO công nhận danh hiệu, mà dừng đề án là rất đáng tiếc”.
Theo TS Nguyễn Xuân Nam, dừng đề án trên, Quảng Ngãi sẽ mất nhiều hơn được. Trước tiên, đánh mất nền tảng, cơ chế, chính sách tốt nhất để phát triển bền vững. Đặc biệt, nếu không đưa vào CVĐC toàn cầu thì việc bảo tồn các di sản địa chất, tự nhiên ở Lý Sơn, vùng phụ cận rất mong manh giữa “cơn lốc” đô thị phát triển nóng. Còn nếu cho rằng hiệu quả kinh tế không rõ ràng thì lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nên có so sánh với các CVĐC toàn cầu trong nước và nhìn rộng ra khu vực. Đơn cử như CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), chỉ vài năm sau khi được công nhận, giúp hình ảnh, uy tín của địa phương rất lớn. Trong 9 năm, du khách tăng vọt từ 300.000 người (năm 2010) lên 2 triệu người (năm 2019), đời sống của người dân đã khởi sắc. Hay như Trung Quốc, hiện đang phát triển mạng lưới CVĐC rất tốt với hàng chục CVĐC toàn cầu.
Tương tự, PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, cho biết: Nếu dừng đề án sẽ rất lãng phí, vì biết bao tiền của, công sức của hàng trăm cán bộ, nhà khoa học đổ ra để thực hiện đề án, cũng như tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu người dân. Ngoài ra, việc bất ngờ dừng đề án khi hồ sơ đã nộp lên UNESCO thì sẽ để lại nhiều hệ lụy cho tỉnh Quảng Ngãi và cả Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên UNESCO. Như thế, các hồ sơ về Di sản thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới, CVĐC toàn cầu... của Việt Nam sau này có thể bị ảnh hưởng. Nếu Quảng Ngãi có ý định trình UNESCO công nhận “Không gian văn hóa Sa Huỳnh” là Di sản văn hóa thế giới, liệu UNESCO có còn tin rằng đó là một dự án nghiêm túc?
Nhiều vấn đề cần được đối thoại
PGS-TS Trần Tân Văn đặt vấn đề, nếu như lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi lo ngại khi được công nhận CVĐC toàn cầu, thì mọi việc ở đây đều phải hỏi, xin ý kiến của UNESCO, sẽ rất phiền phức, rắc rối…, rõ ràng là chưa hiểu hết vấn đề. Các nhà khoa học trong nước và thế giới đều khẳng định, không phải như Di sản thế giới hay Khu dự trữ sinh quyển cần được “đóng khung” bảo vệ nghiêm ngặt, CVĐC toàn cầu có rất nhiều không gian để phát triển kinh tế - xã hội, chỉ một phần nhỏ diện tích di sản đã được khẳng định cần bảo tồn. Trên thế giới, nhiều CVĐC đều có cả khu khai thác khoáng sản, khu công nghiệp đóng tàu, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp…
TS Guy Martini, Tổng Thư ký mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, cho rằng, ông không dự liệu được tác động quốc tế khi Quảng Ngãi dừng đề án. Tuy nhiên, theo ông, ý định của Quảng Ngãi là… lạ lùng, khiến ông và nhiều đồng nghiệp làm khoa học thực sự khó hiểu. Bởi, trong khi nhiều nước trên thế giới đang mơ ước có CVĐC toàn cầu thì Quảng Ngãi lại muốn từ bỏ. Nếu dừng đề án thì hàng ngàn giờ làm việc của chính quyền, hội đồng quốc tế, các nhà khoa học, đặc biệt các nhóm địa phương, các làng biển đã tham gia hưởng ứng, được đào tạo từ dự án sẽ dở dang, lãng phí.
TS Guy Martini khẳng định, CVĐC toàn cầu không phải là khu vực bảo tồn mà là khu vực phát triển bền vững, giúp quảng bá di sản bản địa, mang lại sự phát triển kinh tế tổng hợp, hài hòa, bền vững cho người dân. Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng hình ảnh của mình với cộng đồng thế giới, luôn thể hiện trách nhiệm lớn lao vào các chính sách bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy các chiến lược kinh tế bền vững. Việc một địa phương như Quảng Ngãi khước từ việc phát triển bền vững, bảo tồn các di sản thiên nhiên là điều không nên.
TS Martini và lãnh đạo Viện Khoa học địa chất và khoáng sản hy vọng, Quảng Ngãi cần mở cuộc đối thoại khoa học mang tính xây dựng giữa tỉnh và Ban quản lý CVĐC UNESCO cùng các nhà khoa học trong nước. Việc ngồi lại sẽ giúp đôi bên hiểu rõ vấn đề của nhau, tìm kiếm giải pháp phù hợp, hài hòa hơn. “Tôi hy vọng sẽ có cuộc đối thoại để làm rõ một số hiểu lầm ở Quảng Ngãi, và để thúc đẩy CVĐC toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh trở thành CVĐC thứ tư của UNESCO tại Việt Nam”, ông Martini nói.
Đề án CVĐC toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh hình thành từ năm 2015. 5 năm triển khai đề án đã tiêu tốn khoảng 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, đề án khi mở rộng diện tích 4.600km2 chưa thuận theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 19 của tỉnh và chưa được cấp thẩm quyền biểu quyết, thống nhất. Về mặt pháp lý, dù UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi hồ sơ đến tổ chức UNESCO, nhưng đến nay Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn chưa có quyết định chính thức về đề án. Qua rà soát, đánh giá toàn bộ đề án địa phương thấy hiệu quả kinh tế chưa rõ ràng. |