Đề án chuyển đổi xe máy điện tại huyện Cần Giờ (TPHCM) cần 974 tỷ đồng

Chiều 22-8, HĐND TPHCM, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM và Trường Đại học GTVT TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TPHCM”. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, chủ trì hội thảo.

U1g.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, chủ trì hội thảo

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng cho biết, sở đang thực hiện đề án kiểm soát khí thải và chọn thí điểm ở huyện Cần Giờ để triển khai giao thông xanh.

Tham luận về đề án thực hiện thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông hóa thạch sang phương tiện giao thông sạch tại huyện Cần Giờ, bà Phan Thụy Kiều, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho biết, xe máy là phương tiện gây ra lượng phát thải gây ô nhiễm không khí cao nhất tại Cần Giờ. Với tỷ lệ phương tiện xe máy lưu thông cao hơn nhiều so với các phương tiện còn lại (chiếm trên 70%) thì đây là nguyên nhân chính phát thải lượng khí thải carbon trên các tuyến đường với khoảng 7.453 tấn/năm.

Do vậy, các giải pháp phát triển giao thông xanh cần tập trung vào phương tiện xe máy, như khuyến khích chuyển đổi sang xe máy điện, sử dụng giao thông công cộng, cung cấp bãi gửi xe máy cá nhân tại các đầu mối giao thông, ngoài ra có thể xem xét các giải pháp hạn chế lưu thông trên một số tuyến đường, làn đường đối với xe máy xăng.

Theo đề án, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các chương trình, dự án cần triển khai thực hiện bao gồm: ưu đãi hỗ trợ người dân, hộ gia đình chuyển đổi sang xe máy điện; phát triển giao thông công cộng xanh, phát triển hạ tầng thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng. Lộ trình thực hiện chia thành 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 2024-2025 sẽ hỗ trợ 100% kinh phí khi chuyển đổi phương tiện giao thông đối với hộ nghèo; hỗ trợ 80% kinh phí đối với hộ cận nghèo.

Giai đoạn 2026-2027: Phấn đấu mỗi hộ gia đình chuyển đổi ít nhất một phương tiện giao thông. Giai đoạn 2028-2030, khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình còn lại chuyển đổi phương tiện giao thông hoặc mua xe máy điện mới thông qua việc hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay cố định. Tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng sạch dự kiến hơn 974 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 384 tỷ đồng và vốn doanh nghiệp, xã hội hóa khoảng 590 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, ban tổ chức hội thảo đã ghi nhận được nhiều ý kiến, đặt ra các vấn đề, các giải pháp để phát triển giao thông xanh trên địa bàn TPHCM. Đây là những bài học, kinh nghiệm, những cơ sở để TPHCM triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Đây cũng là những cơ sở bước đầu giúp TPHCM xây dựng các chương trình, kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông vận tải từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, thực hiện mục tiêu phát triển giao thông xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. TPHCM giao Sở GTVT TPHCM thực hiện triển khai đề án kiểm soát khí thải thí điểm tại huyện Cần Giờ.

Tin cùng chuyên mục