Hội thảo có sự tham dự của đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở GD-ĐT, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh xã hội của 9 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Bình Thuận, Cần Thơ, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu và TPHCM.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, bắt đầu được triển khai từ năm 2014, đến nay Đề án 404 đã hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển 990 nhóm trẻ độc lập, tư thục, vượt gần gấp đôi chỉ tiêu 500 nhóm trẻ đặt ra theo Đề án. Qua 6 năm triển khai, đề án được thực hiện ở 20 tỉnh, thành phố. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2014 đến 2017 thực hiện ở 10 tỉnh, thành phố và giai đoạn 2 từ năm 2017 đến 2020 tiếp tục mở rộng thêm 10 tỉnh, thành.
Qua nhiều năm thực hiện, nhiều tỉnh, thành đã tổ chức hiệu quả nhiều mô hình hay, như Hải Phòng duy trì câu lạc bộ chủ các nhóm trẻ, tổ chức các tổ giám sát dựa vào cộng đồng; Đà Nẵng tập huấn cho 100% chi hội trưởng phụ nữ kỹ năng giám sát các nhóm trẻ độc lập trên địa bàn; TPHCM chi hội phụ nữ tham gia giám sát cùng chính quyền địa phương nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nhóm trẻ hoạt động không phép, không đủ an toàn cho trẻ…
Tuy nhiên, tính đến nay việc quản lý giám sát còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, 11 nhóm trẻ đã tự giải thể do chủ cơ sở chuyển nghề, khó thuê địa điểm, ảnh hưởng dịch Covid-19, gồm 8 nhóm tại tỉnh Vĩnh Phúc và 3 nhóm ở Hà Nội.
Riêng tại TPHCM, Sở GD-ĐT TP đã triển khai kế hoạch "Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân lao động tại khu chế xuất trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020". Cụ thể, trong năm 2018, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo thực hiện trông giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất và khu công nghiệp tại 4 quận, huyện trên địa bàn.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và chỉ tiêu được phân bổ theo Đề án, thời gian tới, các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng, hỗ trợ, kiện toàn các nhóm trẻ độc lập, tư thục trên địa bàn để hỗ trợ tốt nhất cho các nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi; tập trung tổ chức các hoạt động truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chăm sóc phát triển trẻ nhỏ tại cộng đồng; tập trung nâng cao chất lượng các nhóm lớp nhận giữ trẻ dưới 36 tháng tuổi là con của công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Được biết sau năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nhóm trẻ độc lập, tư thục cho 63 tỉnh, thành trên cả nước, phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025”.