Mặc dù chưa đến lịch gieo sạ vụ lúa hè thu 2024 nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) đã tự ý xuống giống. Chỉ riêng tại huyện Tân Hưng, có gần 8.000/37.000ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống và lúa trong giai đoạn lên mạ, tập trung nhiều ở các vùng trũng thấp.
Theo ông Nguyễn Văn Đát (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng), khu vực ruộng của gia đình có hệ thống đê bao chưa hoàn chỉnh. Những vụ trước, lũ về sớm nên không thể thu hoạch kịp, gây thiệt hại kinh tế. Vì vậy, sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2023 - 2024, ông tranh thủ làm đất, vệ sinh đồng ruộng, xuống giống 2,5ha lúa sớm hơn lịch thời vụ để kịp thu hoạch trước khi lũ về.
Tại Bến tre, nhiều nông dân cũng bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng vẫn gieo sạ lúa vụ 3. Hiện đã có khoảng 30ha lúa bị chết do nhiễm mặn. Diện tích lúa bị thiệt hại tại tỉnh Bến Tre chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Giồng Trôm.
Ngày 2-5, thông tin từ UBND huyện Hồng Dân cho biết, vào trung tuần tháng 2-2024, do giá lúa nguyên liệu khá cao và tư tưởng chủ quan trong dự đoán tình hình thời tiết, một số nông dân vùng ngọt đã tự phát xuống giống không tuân thủ lịch thời vụ với diện tích khoảng 4.000ha. Vì vậy, trong thời gian tới, nếu không có nước ngọt bổ sung, khả năng diện tích lúa này sẽ chết rất cao.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chỉ đạo, UBND huyện Hồng Dân chủ động phối hợp với Sở NN-PTNT hướng dẫn, thông tin đến người dân có diện tích đã xuống giống vụ hè thu sớm (xuống giống tự phát) thực hiện các giải pháp tích trữ, tiết kiệm và kịp thời lấy nước ngọt phục vụ sản xuất.
Ông Phạm Văn Thiều cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân dừng, ngưng xuống giống vụ hè thu sớm, tuân thủ xuống giống theo lịch thời vụ của Sở NN-PTNT. Các địa phương thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp sản xuất vụ hè thu 2024; chỉ đạo không gieo trồng đối với những diện tích không đảm bảo nước tưới suốt vụ, sản xuất không an toàn.