Tại Bến Tre, Đài khí tượng thủy văn của tỉnh này cho biết, từ đêm trước trời đã có mưa, qua ngày 25 và 26-12, sẽ có mưa diện rộng, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 100mm.
Từ trưa ngày 25-12, khu vực tỉnh Bến Tre gió mạnh dần lên đến hết ngày 26-12. Các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại, khả năng chịu gió mạnh nhất khoảng cấp 8-9, giật cấp 11- 12. Còn các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách, TP. Bến Tre từ chiều đến đêm ngày 25-12, khả năng chịu ảnh hưởng gió mạnh nhất ở khoảng cấp 8-9, giật trên cấp 11-12.
Trong khi đó, tại các huyện ven biển của Tiền Giang, như huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, thị xã Gò Công… mưa gió lớn cũng đã xuất hiện.
Hiện nay, hai tỉnh Bến Tre, Tiền Giang đang tích cực thực hiện công tác di dời dân đến nơi an toàn để tránh bão. Tại Bến Tre, khoảng 22.154 người dân trong vùng có thể bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 16, được chính quyền địa phương tích cực di dời đến nơi an toàn. Đồng thời tuyên truyền, vận động 55.493 người có nhà ở tạm bợ, không an toàn… di chuyển đến các nơi tránh bão kiên cố trong khu vực.
Còn tại Tiền Giang, tỉnh này cũng đang tích cực di dời hơn 36.000 người dân ở khu vực bị ảnh hưởng của bão đến nơi trú ngụ an toàn. Dự kiến, đến chiều ngày 25-12, công tác di dời dân ở hai tỉnh này sẽ hoàn thành.
Tại Sóc Trăng, ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Trời đã mưa từ sáng và thời tiết diễn biến khá xấu. Trước tình hình dự báo bão số 16 diễn biến phức tạp, nên ngay trong sáng 25-12, các ngành chức năng của xã đã sơ tán khoảng 411 hộ dân sống ở khu vực ven sông Mỹ Thanh, có nguy cơ ảnh hưởng bão, vào tạm trú tại các trường học, trụ sở UBND xã… Hộ nào khó khăn, xã sẽ hỗ trợ mì gói và những nhu yếu phẩm cần thiết. Cùng với việc sơ tán dân thì vấn đề bảo vệ sản xuất cũng đang cấp bách đặt ra. Xã Ngọc Tố hiện có hơn 500ha tôm nuôi bán công nghiệp, nếu bão ập vào, kèm theo mưa to… thì nguy cơ thiệt hại sẽ khó lường; bởi môi trường nước thay đổi, lạnh đột ngột sẽ khiến tôm dễ bị nhiễm bệnh”.
Cũng theo ông Võ Văn Chồi, giải pháp ứng phó hiện nay là thu hoạch ngay những ao tôm gần tới đợt; còn những ao đầm tôm khác thì chuẩn bị quạt máy sẵn sàng để quạt liên tục khi môi trường thay đổi…
Ở các vùng ven biển ở Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu… hàng loạt hộ nuôi tôm cũng đứng ngồi không yên, vì lo ngại mưa lớn sẽ đưa lượng nước ngọt vào ao làm tôm dễ bị sốc.
Ông Phạm Văn Quắn, ngụ xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) trăn trở: “Hiện nay, tôm thẻ được giá khoảng 135.000 đồng/kg (loại 60 con/kg), nên ai cũng mừng vì hy vọng thu hoạch đợt này sẽ có tiền mua sắm tết. 4 công đất nuôi tôm của gia đình tôi đã chăm sóc được 2/3 đoạn đường và chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là thu hoạch. Tuy nhiên, giờ đây bão lớn ập tới thấy lo vô cùng. Sáng nay, trời bắt đầu mưa và nếu tiếp tục mưa lớn thì nguồn nước trong ao tôm sẽ bị ngọt, môi trường thay đổi và tôm dễ bị ảnh hưởng… Các giải pháp phòng tránh đang chuẩn bị sẵn sàng nhằm hạn chế thiệt hại”.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp ứng phó với bão số 16. Kể từ ngày 25-12, nghiêm cấm các tàu thuyền vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa xuất bến nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Chính quyền địa phương nhanh chóng hỗ trợ kinh phí cho tất cả các hộ nghèo trong tỉnh mua dây chằng chống nhà cửa, đảm bảo đủ lương thực thực phẩm cho người dân vùng bị bão. Tuyệt đối không để người dân ở lại các chòi canh thủy hải sản, lồng bè trên biển; các công trình điện, thông tin liên lạc, cây xanh, biển quảng cáo… phải có kế hoạch bảo vệ và khắc phục ngay nếu có sự cố xảy ra. Trong ngày 25 và 26-12, tất cả học sinh các cấp và các cơ sở giảng dạy tập trung sẽ tạm nghỉ để tránh bão…